Mỹ điều thêm 1.000 quân tới Trung Đông chống hành vi thù địch của Iran
"Đáp lại yêu cầu của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ về lực lượng bổ sung, cùng với lời khuyên của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và tham khảo ý kiến của Nhà Trắng, tôi đã ủy quyền cho khoảng 1.000 quân bổ sung với mục đích phòng vệ chống lại những mối đe dọa trên không, trên biển và mặt đất tại Trung Đông", quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan tuyên bố.
"Những cuộc tấn công gần đây của Iran xác nhận những thông tin tình báo đáng tin, chắc chắn mà chúng tôi nhận được về hành vi thù địch của quân đội Iran và các nhóm ủy quyền của họ đe dọa nhân viên và các lợi ích của Mỹ tại khu vực". Ông Shanahan nói thêm rằng "Mỹ không tìm kiếm xung đột với Iran".
Ngay trước khi thông báo, Lầu Năm Góc đã công bố một bộ ảnh chi tiết cho thấy các tàu Iran gỡ một quả mìn khỏi tàu chở dầu bị tấn công tại vịnh Oman hôm 13/6. Mỹ quy cho Iran thực hiện vụ tấn công này. Tehran đã mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc.
"Hành động ngày hôm nay được thực hiện nhằm đảo bảo sự an toàn và phúc lợi cho nhân viên quân sự của chúng tôi đang làm việc tại khắp khu vực và để bảo vệ lợi ích quốc gia chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát tình hình một cách liên tục và điều chỉnh lực lượng khi cần thiết để đưa ra báo cáo tình báo và các mối đe dọa đáng tin", ông Shanahan nói.
Một quan chức Mỹ cho biết việc triển khai này bao gồm máy bay tình báo, giám sát và trinh sát cũng như phòng thủ tên lửa để bảo vệ lực lượng.
Tin tức về việc triển khai thêm quân được đưa ra khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 17/6 rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tới trung tâm chỉ huy giám sát các hoạt động quân sự Trung Đông vào ngày 18/6. Một ngày trước đó, ông Pompeo cho biết chính quyền Trump vẫn đang cân nhắc hành động quân sự chống lại Iran.
Huawei mất 30 tỷ USD Doanh thu trong 2 năm vì lệnh cấm của Mỹ
"Trong hai năm tới, tôi nghĩ chúng ta sẽ giảm công suất, doanh thu của chúng ta sẽ giảm khoảng 30 tỷ USD so với dự báo. Vì vậy, doanh thu bán hàng của chúng ta trong năm nay và năm tới sẽ vào khoảng 100 tỷ USD", nhà sáng lập và CEO của Huawei, ông Nhậm Chính Phi nói trong một cuộc thảo luận nhóm tại trụ sở của công ty ở Thâm Quyến. Doanh thu năm ngoái của Huawei tăng khoảng 20% lên 721 tỷ nhân dân tệ (104 tỷ USD).
Công ty công nghệ Trung Quốc đang trở thành điểm sáng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chính quyền Trump đã giáng một đòn mạnh vào ngày 16/5 khi đưa Huawei vào danh sách đen cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho họ mà không có giấy phép từ chính phủ.
Washington sợ rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các thiết bị của Huawei để do thám các quốc gia khác. Mỹ cũng đang gây áp lực lên các đồng minh để loại công ty này ra khỏi mạng lưới không dây 5G siêu nhanh thế hệ tiếp theo. Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc các sản phẩm của hãng gây rủi ro cho an ninh quốc gia.
Mặc dù bị cấm tại thị trường Mỹ trong gần một thập kỷ vì những lo ngại đó, Huawei vẫn phát triển trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và có thương hiệu smartphone đứng số hai. Nhưng chỉ 4 tuần năm trong danh sách đen thương mại của Mỹ, công ty đã bị thiệt hại trong hoạt động kinh doanh smartphone và xói mòn vị trí thống trị trong thiết bị 5G. Doanh số Smartphone ở nước ngoài đã "giảm 40%", ông Nhậm nói. Một phát ngôn viên của công ty cho biết ông Nhậm đang đề cập đến việc giảm doanh số từ ngày 17/5 đến 16/6 so với một tháng trước, tính đến 16/5.
Những bình luận của ông Nhậm Chính Phi được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Huawei từ bỏ mục tiêu vượt Samsung để trở thành thương hiệu smartphone số một thế giới đến cuối năm nay. Một số nhà phân tích nói rằng Huawei thậm chí có thể phải vật lộn để đứng trước Apple nếu vẫn bị Mỹ cấm vận công nghệ trong thời gian dài.
Nếu Huawei "có sự phát triển tích cực trong hai tháng tới thì họ có thể duy trì được vị trí số hai trong năm nay. Bằng không, Huawei sẽ gặp tình huống khó khăn với gần một nửa lô smartphone ở thị trường nước ngoài năm 2018 và quý đầu năm 2019", bà Kiranjeet Kaur, một chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu IDC nói.
Putin có thể gặp chớp nhoáng Trump ở G20
"Không có thông tin về một cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Osaka. Phía Mỹ chưa đề xuất về vấn đề này. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng hai lãnh đạo sẽ đối thoại chớp nhoáng", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay phát biểu trong một cuộc họp báo.
Tổng thống Trump hồi tuần trước cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp Nga bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6. Ông chủ Nhà Trắng cũng tỏ ý muốn các phóng viên có mặt trong cuộc gặp.
Trump và Putin từng phớt lờ nhau tại hội nghị G20 ở Argentina vào cuối năm ngoái. Ống kính truyền thông cho thấy hai ông giữ khoảng cách và không trao đổi ánh mắt. Tổng thống Mỹ bước qua vị trí đứng của người đồng cấp Nga nhưng không dừng lại để chào hỏi hay bắt tay. Đối với các lãnh đạo khác, Trump vẫn tỏ ra nồng nhiệt và có những cử chỉ ngoại giao như bình thường.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Vùng Vịnh đang leo thang khi Washington và Tehran xung đột về thỏa thuận hạt nhân. Ngoài vấn đề Iran, Nga và Mỹ còn đối mặt với nhiều vấn đề chiến lược như khủng hoảng Venezuela, Syria và xung đột Ukraine.
Mỹ công bố hình ảnh mới 'chứng minh' Iran tấn công tàu dầu
Hải quân Mỹ ngày 17-6 công bố một số hình ảnh mới chụp sau khi xảy ra vụ hai tàu dầu thương mại bị tấn công ở Vịnh Oman hồi tuần trước, hãng Sputnik đưa tin.Theo Sputnik, các hình ảnh mới cũng cùng bối cảnh với các hình ảnh trong video trắng đen chất lượng thấp mà quân đội Mỹ công bố trước đó. Tuy nhiên, các hình ảnh này là hình màu, rõ hơn, có vẻ là hình chụp lại từ các thước phim quay sự cố tàu dầu bị tấn công.
Các hình ảnh cho thấy một xuồng máy tốc độ cao được cho của Iran tiếp cận tàu dầu Kokuka Courageous của Nhật từ phía mạn phải và gỡ một vật mà Mỹ cho rằng đó là một quả mìn buộc ở thân tàu này. Một số hình ảnh khác chụp một cái lỗ được cho là trên thân tàu dầu Kokuka Courageous và dấu bàn tay một người được cho đã gỡ quả mìn. Theo Mỹ, các hình ảnh này chứng minh Iran đứng đằng sau vụ tấn công.
Trước các hình ảnh này, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một video đen trắng chứng minh Iran đứng đằng sau vụ tấn công hai tàu dầu. Video cho thấy nhiều thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang gỡ một vật mà Mỹ cho là một quả mìn buộc ở một bên thân tàu Kokuka Courageous - một trong hai tàu dầu bị tấn công.
Đoạn video quay cảnh một xuồng máy tuần tra được cho của Iran tiếp cận tàu dầu Kokuka Courageous trước khi một trong các thành viên trên tàu gỡ một vật thể từ thân tàu dầu này.
Quà sinh nhật đặc biệt Putin tặng Tập Cận Bình
Buổi lễ sinh nhật diễn ra ngày 15/6, Tổng thống Nga đã tặng Chủ tịch Trung Quốc một thùng kem làm quà. "Nhà lãnh đạo Nga đã ca ngợi vai trò của ông Tập Cận Bình trong việc phát triển quan hệ song phương và ghi nhận thành công của chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga. Vladimir Putin đã tặng kem Nga cho Tập Cận Bình làm quà sinh nhật", tuyên bố của điện Kremlin cho biết.
Ông Tập đã cảm ơn ông Putin về món kem và nói rằng nhà lãnh đạo Nga rất nổi tiếng ở Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Dushanbe, thủ đô Tajikistan để tham dự Hội nghị về Các biện pháp Dây dựng niềm tin và sự tương tác ở châu Á (CICA). Nó đánh dấu cuộc gặp thứ hai chỉ trong vòng một tuần của họ. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan.
Chủ tịch Trung Quốc đã tới Nga hồi đầu tháng 6 và là khách mời danh dự tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS trước chuyến đi, ông Tập gọi ông Putin là "người bạn tâm giao và tốt nhất của mình", nhấn mạnh ông rất trân trọng "tình bạn sâu sắc của họ".
Trong khi ở Nga, ông Tập đã tới thăm sở thú Moscow cùng ông Putin. Đây là nơi đã nhận hai con gấu trúc khổng lồ Trung Quốc như một phần của sự "hợp tác nghiên cứu".