Tổng thống Barack Obama thừa nhận Washington vẫn chưa có chiến lược cụ thể để đối phó với mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Phát biểu trong cuộc họp báo của Nhà Trắng trước khi gặp cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu để bàn về phương án đối đầu với IS, Tổng thống Obama cho biết Mỹ vẫn chưa có một chiến lược để đối phó với mối đe dọa từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Quyết định đưa máy bay giám sát đến Syria hồi đầu tuần này của Tổng thống Mỹ khiến nhiều người đồn đoán rằng ông đang muốn mở rộng cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria. Nhiều nhà lập pháp đã tỏ ra lo lắng khi không được tham vấn và đưa ra lời chỉ trích.
Hiện Đảng Cộng hòa và Đảng dân chủ của ông Obama đang có những tranh cãi gay gắt về việc Mỹ có nên mở rộng hoạt động chống lại IS hay không. Cách đây 1 năm, ông Obama đã tránh không kích Syria để trừng phạt việc Tổng thống Syria Bashir al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân nhưng lại âm thầm tham gia vào cuộc nội chiến nước này. Điều đó dẫn tới việc lực lượng phiến quân IS hành quyết nhà báo Mỹ James Foley và những con tin phương Tây khác.
Trước đó, ngày 26/8, Tổng thống Obama đã quyết định cho máy bay do thám Syria, chuẩn bị cho các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS.
Theo nguồn tin từ các quan chức quốc phòng Mỹ, ông Obama đã thông qua việc đưa máy bay do thám, kể cả máy bay không người lái đến Syria để xác định quy mô hoạt động của phiến quân IS. Trước đó, thư ký báo chí Nhà Trắng, Josh Earnest cho biết Tổng thống vẫn chưa thông qua việc thực hiện hành động quân sự tại Syria.
Theo Wall Street Journal, các chuyến bay do thám đã được lên kế hoạch và sẽ sớm diễn ra. Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ tại Trung Đông đã yêu cầu các chuyến bay trinh sát thu thập thêm thông tin về IS tại Syria.
Một quan chức giấu tên cho biết Washington không có ý định thông báo cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad về hoạt động bay giám sát này và cũng không định hợp tác với chính quyền ông Assad. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ xâm nhập vào lãnh thổ Syria mà không thông báo cho chính quyền sở tại. Hồi tháng 7, lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng đã mở chiến dịch giải cứu các con tin (trong đó có nhà báo James Foley) nhưng thất bại.
Mặc dù chính quyền ông Obama luôn tránh can thiệp quân sự vào Syria nhưng vụ chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley đang làm dấy lên phỏng đoán Washington có thể sẽ không kích Syria.
Tổng thống Obama thừa nhận Mỹ vẫn chưa có chiến lược đối phó với IS
Phía Liên hợp quốc vẫn chưa lên tiếng về vấn đề không kích IS tại Syria nhưng mới đây, trong một báo cáo được công bố ngày 27/8, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lên án tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vi phạm các tội ác chiến tranh man rợ tại Syria.
Theo báo cáo của LHQ, phiến quân IS thường xuyên thảm sát tù binh, tra tấn, bắt cóc, hãm hiếp thường dân Syria. “Hành quyết bằng cách chặt đầu là chuyện thường ngày tại các khu vực IS kiểm soát ở Syria” - báo cáo khẳng định.
LHQ tố cáo các tay súng IS sẵn sàng chặt đầu những đứa trẻ mới 15 tuổi, thực thi những hình phạt như chặt chân tay, đánh đập bằng roi…
“IS hủy diệt nhân tính, tàn phá cuộc sống của thường dân và người thiểu số, khước từ những quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em” - báo cáo viết.
Paulo Pinhiero, người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền LHQ cho biết, mỗi ngày, có hàng trăm người dân thường vô tội đã thiệt mạng vid những cuộc không kích. Đó là sự bất chấp pháp luật và lương tâm đạo đức của những kẻ "tội đồ" chiến tranh.LHQ mô tả IS muốn tạo ra một bầu không khí khủng bố và khiếp sợ ở Syria. Tổ chức này còn ép nhiều đứa trẻ mới 10 tuổi phải cầm súng bắn giết. IS biến nhiều trẻ em thành những kẻ đánh bom liều chết và trong những chiến dịch tấn công cảm tử.
Trong những vụ hành quyết công khai hay trừng phạt bằng cách cắt bỏ bộ phận cơ thể tại quảng trường, phiến quân Nhà nước Hồi giáo cũng nhẫn tâm bắt dân thường, kể cả trẻ em phải đến xem.
Tuy nhiên báo cáo của LHQ cũng khẳng định chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại các nhóm nổi dậy. Trong khi đó, việc sử dụng vũ khí hóa học đã bị cấm theo luật pháp quốc tế và đây cũng được xem là một loại tội ác chiến tranh.
Ước tính xung đột Syria đã cướp đi sinh mạng của 200.000 người dân nước này.
LHQ cũng kêu gọi một lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria bởi hiện nay, chính phủ nước này vẫn tiếp tục nhận được vũ khí, pháo binh, các loại máy bay chiến đấu từ nước ngoài.
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo tin tức Mirror)