Những ngày gần đây, tình hình mưa lũ tại miền Trung khiến nhiều người quan tâm. Nhiều người ủng hộ tiền và nhu yếu phẩm khác với hi vọng giúp đỡ một phần cho bà con tại vùng mưa lũ.
Để giúp đỡ bà con, rất nhiều nhà hảo tâm, trong đó có cả những nghệ sĩ tên tuổi đã trực tiếp tới vùng gặp nạn để đích thâm trao phần quà hỗ trợ. Tuy nhiên, chính việc ủng hộ nước uống, mì tôm, nhu yếu phẩm này lại trở thành chủ đề dây tranh cãi trong thời gian gần đây.
Trong một bài viết nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội, người đăng tải đã viết: “Xin mọi người hạn chế tặng mì tôm”. Người đăng tải cho rằng việc giúp đỡ bà con không nên dần biến thành chương trình… phát mì tôm.
Bởi hầu như mỗi chuyến đi phát nhu yếu phẩm là y như rằng sẽ có mì tôm trong đó. Theo bài viết, mì tôm quả thật có thể giúp đỡ người dân, nhưng không nên lạm dụng nó. Những người sinh sống trong điều kiện lũ lụt không có chợ búa, phải dầm mưa nhiều ngày, giao thông bất tiện thì điều họ thực sự cần không phải là mì tôm.
Người này đã liệt kê ra những món đồ cần thiết hơn cho đồng bào vùng lũ lụt gồm: áo phao, đèn pin, radio chạy bằng pin, nước sạch sinh hoạt. Còn lương thực thì cần là loại được chế biến sẵn như ruốc, cá khô, mắm,..
Dược phẩm, thuốc men, sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ, quần áo, chăn đắp, áo mưa, ủng,.. cũng là những điều có thể giúp đỡ trực tiếp. Còn nghĩ xa hơn, các mạnh thường quân xin hãy sắm cho họ vật liệu xây dựng tái thiết sau lũ, bơm nước, ghe xuồng,.. hoặc tiền mặt. Chúng là những tài sản thiết thực để người dân quay trở lại cuộc sống trước kia.
Ngay khi bài viết được đăng tải, một cuộc tranh luận đã nổ ra. Nhiều ý kiến ủng hộ rằng điều này là hợp lý, bởi người dân đâu thể nấu nướng trong điều kiện mưa ngập dâng cao. Nên thay bằng lương khô vì nó thiết thực, hạn sử dụng lâu, lại có thể ăn ngay lập tức vào bất kì lúc nào.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình, cho rằng các mạnh thường quân bây giờ đã khá linh động trong các nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào lũ lụt, chứ không phải chỉ phát mỗi mì tôm. Và việc hỗ trợ có đã là tốt rồi, không nên đòi hỏi quá nhiều, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.