Một nhà cựu ngoại giao Mỹ cảnh bảo rằng khả năng hạt nhân của Triều Tiên đang gia tăng về cả "lượng và chất", và những tiến bộ này đang tăng lên "với mỗi tháng đi qua".
Robert Gallucci, từng là đặc phái viên Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nói rằng cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên đã "vô dụng".
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Ảnh: Independent |
Ông Gallucci là người dẫn đầu các cuộc đàm phán năm 1994 với chính phủ Bắc Triều Tiên, cuộc đàm phán đã đưa đến một thoản thuận tạm thời đóng băng các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Đại học John Hopkins ở Washington, ông nói: "Chúng ta có thể tiếp tục như chúng ta đang làm hiện nay. Chúng ta có thể tiếp tục với những gì có thể được gọi là một cơ chế trừng phạt nhằm cố gắng để hạn chế sự lựa chọn của Bắc Triều Tiên về mặt chính trị và kinh tế."
"Nhưng ... khi chúng ta kìm nén Bắc Hàn, chúng ta cũng nhận thấy tình hình trở nên tồi tệ hơn."
"Trường hợp Bắc Triều Tiên không giống như rượu vang. Nó không tốt lên qua thời gian. Với mỗi tháng, mỗi năm trôi qua, chúng ta chỉ thấy khả năng vũ khí hạt nhân của họ phát triển về cả chất và lượng."
Ông Gallucci đề nghị Tổng thống Mỹ tiếp theo nên ưu tiên đàm phán với Bắc Triều Tiên, nhưng không nên đưa ra các nhượng bộ kiểu như chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc - một điều mà Bình Nhưỡng từ lâu đã kêu gọi.
Và ông kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ để ngăn chặn việc để Trung Quốc trở thành "thầu phụ" trong vấn đề Bắc Triều Tiên.
Ông nói: "Chúng ta muốn Trung Quốc phải tác động để đưa Bắc Triều Tiên trở lại khuôn khổ của các cuộc đàm phán. Nhưng chúng ta không nên giao toàn bộ vấn đề Bắc Triều Tiên cho Bắc Kinh"
"Vì vậy, tôi nói, hợp tác với Trung Quốc, thúc ép họ làm càng nhiều càng tốt, nhưng đừng mong đợi họ làm toàn bộ công việc."
Bắc Triều Tiên sẽ sẵn sàng chấm dứt chương trình hạt nhân nếu có một thỏa thuận mà nước này thấy có thể "đảm bảo sự sống còn của chế độ chắc chắn như cách (mà họ nghĩ) vũ khí hạt nhân cung cấp cho họ một biện pháp để ngăn chặn Hoa Kỳ lật đổ chế độ Bình Nhưỡng", Galluci nói thêm.
Hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân tiếp theo.
Dựa trên kết quả của nhóm giám sát 38 (nhóm chuyên giám sát Bắc Triều Tiên), Mỹ cho biết vệ tinh đã ghi nhận sự gia tăng các hoạt động tại Punggye-ri - khu vực thử nghiệm hạt nhân chính của Bắc Triều Tiên.
Vụ thử hạt nhân thứ năm và gần đây nhất của nước này diễn ra vào 9/9, sau vụ thử, Triều Tiên thông báo đã thử nghiệm thành một đầu đạn hạt nhân có thể dùng để gắn lên tên lửa đạn đạo.
Vụ thử này đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "lên án mạnh mẽ", trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "những hậu quả từ hành động trái pháp luật và nguy hiểm của mình".
Bắc Triều Tiên đã phát triển bom hạt nhân kể từ khi nước này từ bỏ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003. Nước này tuyên bố chương trình hạt nhân là để "tự vệ" chống lại "nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân gây ra bởi Mỹ".
Quý Vũ (Independent)