Dữ liệu do Greenpeace China công bố ngày hôm nay cho thấy mức độ các chất gây ô nhiễm độc hại, trong đó có nitơ dioxide và các hạt nhỏ được gọi là PM2,5 trong tháng 4 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. "Điều thú vị là cách mà lượng khí thải trở lại nhanh chóng sau khi giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm", Li Shuo, chuyên gia về khí hậu và năng lượng tại Greenpeace China nói với AFP. "Đây có thể là một dấu hiệu sớm cho thấy những xu hướng tích cực của thời kỳ dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị đảo ngược".
Nồng độ PM2.5 khắp Trung Quốc đã giảm hơn 18% trong khoảng thời gian từ 20/1 đến 4/4 trong bối cảnh phong tỏa các thành phố lớn và hạn chế đi lại nghiêm ngặt, theo Bộ Môi trường. Hình ảnh vệ tinh do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy lượng khí thải nitơ ở các thành phố lớn miền trung và miền đông của Trung Quốc (nơi đặt hầu hết các nhà máy hóa chất, thép và xi măng) đã giảm 30% trong 2 tháng đầu năm. Nồng độ các hạt PM2.5 trong một mét khối không khí vào tháng 4 là 33,93, tăng nhẹ so với 33,2 của cùng kỳ năm ngoái. Nồng độ nitơ dioxide trong một mét khối không khí vào tháng 4 là 25,4, cao hơn so với 24,6 cùng kỳ năm ngoái.
Cả 2 chất gây ô nhiễm đều là sản phẩm phụ độc hại của than, dầu và khí đốt. Chúng có thể gây hen suyễn, bệnh tim và làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến mọi người dễ mắc các bệnh khác. Theo WHO, tiếp xúc với không khí ô nhiễm mãn tính đã rút ngắn tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc xuống hơn 4 năm.
Ông Li nói rằng sự gia tăng trong sản xuất công nghiệp và các kiểu hình thời tiết bất lợi đã làm tình hình ô nhiễm không khí trong tháng 4 tệ hơn. Sản xuất điện đã tăng 1,2% trong tháng trước. Trung Quốc phụ thuộc vào than để sản xuất phần lớn điện năng.
Phát thải trái phép
Chính quyền địa phương cũng đang nhắm mắt làm ngơ để các nhà máy bỏ qua những tiêu chuẩn khí thải khi gia tăng sản xuất. Bộ môi trường cho biết các quan chức tỉnh Phúc Kiến, một trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và dệt may, đã không thực hiện các biện pháp "nghiêm ngặt và đúng đắn" để hạn chế khí thải bất hợp pháp, thậm chí họ còn nhận hối lộ từ các công ty.
Một số đơn vị gây ô nhiễm nặng còn giả mạo dữ liệu phát thải để gửi lên hệ thống giám sát trực tuyến của chính phủ trong 2 tháng qua, Bộ Môi trường tuyên bố. Vào tháng 3, một công ty vật liệu đóng gói tại tỉnh Sơn Đông đã bị phạt 1 triệu nhân dân tệ (141.000 USD) vì phát thải sulfur dioxide cao gấp 12 lần so với báo cáo trước đó.
Một công ty tại thành phố Ôn Châu chuyên giúp chính quyền địa phương thu thập dữ liệu pháp thải trực tuyến đã "giả mạo số liệu hơn 100 lần từ 24/3-9/4", Bộ Môi trường cho biết.
Sự kích thích ô nhiễm
Các nhà môi trường họ lo rằng một sự kích thích để khởi động nền kinh tế suy thoái sẽ làm trầm trọng thêm tai họa ô nhiễm không khí. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh đã tung ra gói kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (567,6 tỷ USD) trong đó chi phí có đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ. Trong những năm sau đó, ô nhiễm không khí đã tăng lên mức cao kỷ lục và gây ra phản ứng dữ dội
Trung Quốc đã kiềm chế trước một kích thích toàn diện trong thời gian này và đã thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như mạng viễn thông 5G, sản xuất thông minh, trung tâm dữ liệu và xe điện. Nhưng đầu tháng 3, các nhà quản lý Trung Quốc đã phê duyệt những nhà máy nhiệt điện mới với công suất 7,9 gigawatt, nhiều hơn các dự án được phê duyệt trong cả năm 2019. "Tùy vào tình hình kinh tế, chính phủ vẫn có thể lặp lại kịch bản cũ, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng gây thiệt hại cho môi trường", Li nói.