Trung Quốc ngày hôm qua đã ngang nhiên công danh sách các công trình xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày càng được mở rộng |
Theo tin tức từ Reuters, các công trình này gồm những ngọn hải đăng, trạm thông tin liên lạc, trạm Dự báo thời tiết, trạm nghiên cứu khoa học và thiết bị để đối phó với sự cố tràn dầu cùng một số cơ sở khác phục vụ mục đích dân sự và trường hợp khẩn cấp.
Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) còn tiết lộ nước này sẽ xây dựng những cơ sở hạ tầng cho các tàu tìm kiếm cứu nạn và nơi tránh bão, sửa chữa tàu cá, các cơ sở xử lý nước thải và rác thải. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào các công trình này sẽ hoàn thành.
Trung Quốc bao biện các công trình này nhằm “giúp cải thiện điều kiện sống” ở Trường Sa và giúp Bắc Kinh “hoàn thành trách nhiệm quốc tế về giám sát môi trường, cứu trợ thảm họa và an toàn hàng hải” của mình.
Ngày 16/6, Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc sẽ sớm hoàn thành các dự án bồi đắp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
"Việc xây dựng trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) không chỉ đáp ứng mục đích quốc phòng, mà còn phục vụ nhu cầu dân sự," phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố trong buổi họp báo sáng nay ở Bắc Kinh.
Sau khi việc cải tạo đất hoàn thành, Bắc Kinh sẽ tiến hành xây dựng các cơ sở cần thiết để hoàn thiện những chức năng liên quan.
"Việc cải tạo đá sắp hoàn thiện, giai đoạn sắp tới, chúng ta sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích đề ra", ông Lục nói.
Nhật Bản hôm 17/6 tuyên bố, những đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông không thể giúp Bắc Kinh thiết lập chủ quyền, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động đơn phương hòng làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông.
Trong một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: “Chúng tôi vô cùng quan ngại trước những hành động đơn phương của Trung Quốc có thể làm thay đổi thực trạng và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Dù việc cải tạo hoàn thành, chúng tôi không thể chấp nhận đây như sự đã rồi. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động đơn phương tạo ra những thay đổi về vật chất và không thể đảo ngược".
Bảo Linh (Tổng hợp)