Giới chức quốc phòng Australia lo ngại rằng, nhiều khả năng, Trung Quốc đã chuyển vũ khí đến các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Theo tin tức trên tờ Sydney Morning Herald, giới chức quân sự Australia lo ngại rằng Bắc Kinh đã triển khai radar tầm xa, súng phòng không và thực hiện các chuyến bay do thám thường xuyên, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự tại một vùng biển vốn cũng bao gồm một số tuyến vận tải thương mại bận rộn nhất của Australia.
Động thái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng khiến Bộ Quốc phòng Australia đang cân nhắc điều tàu hải quân và máy bay không quân tham gia với Mỹ trong các sứ mệnh "tự do hàng hải" nhằm chứng tỏ rằng Canberra không chấp nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Sydney vào tối ngày 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dennis Richardson cho hay, các động thái của Trung Quốc nhằm cải tạo đất và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông đang gây ra lo ngại nếu có các ý định quân sự.
“Việc tìm hiểu về mục đích cải tạo đất là chính đáng, mục đích du lịch dường như là không thể. Với quy mô và sự hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, việc nước này cải tạo đất nhằm mục đích quân sự sẽ là một mối quan ngại đặc biệt", ông Richardson nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dennis Richardson cho rằng các động thái của Trung Quốc nhằm cải tạo đất và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông đang gây ra lo ngại nếu có các ý định quân sự. |
Theo ông Richardson, khu vực trước kia là bãi san hô chìm mà Trung Quốc đã cải tạo ở Biển Đông trong năm qua lớn gần 4 lần những gì mà 5 bên khác cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực thực hiện trong vài thập niên qua.
Ông Richardson cũng chỉ trích bản chất mơ hồ trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên "đường lưỡi bò", vốn chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.
"Thật không có tính xây dựng khi công khai tìm cách thay đổi thực địa mà không đưa ra bất kỳ giải thích nào về các tuyên bố chủ quyền thực tế. Hoàn toàn chính đáng khi nêu ra các câu hỏi và bày tỏ những lo ngại như vậy, vì những căng thẳng và các sai lầm tiềm tàng không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai", Bộ trưởng Quốc phòng Australia nhấn mạnh.
Những bình luận của ông Richardson là những bình luận chi tiết và thẳng thắn nhất của một quan chức cấp cao Australia kể từ khi Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Giới chức quốc phòng Australia được cho là sẽ báo cáo với Thủ tướng Tony Abbott trong 2 tuần tới liên quan tới tình hình ở Biển Đông và dự kiến sẽ đề xuất các sứ mệnh "tự do hàng hải" và các cuộc tập trận liên quan tới các đối tác trong khu vực.
Các cơ quan tình báo của Australia cũng đang nâng cao các đánh giá về mối đe dọa chiến lược, dự kiến sẽ được đưa vào trong sách trắng quốc phòng đầu tiên của chính quyền Abbott, theo các nguồn tin chính phủ.
Hình ảnh vệ tinh hồi tháng 4 cho thấy một đường băng dài được Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Theo Sydney Morning Herald, các quan chức và giới chức quân đội Úc đã thảo luận sự cần thiết nhằm chứng tỏ rằng họ không công nhận bất kỳ vùng lãnh thải 12 hải lý nào hoặc vùng đặc quyền kinh tế mở rộng mà Trung Quốc có thể đơn phương tuyên bố quanh các đảo nhân tạo. Nhưng họ cũng phải thận trọng để tránh làm bùng phát một cuộc đối đầu căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất của Australia.
Hôm 26/5, quân đội Trung Quốc ngang nhiên so sánh việc bồi đắp và xây dựng trên các đá ở Biển Đông với những công trình xây dựng bình thường như xây đường ở những nơi khác tại nước này.
Tuy nhiên, đồng thời, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng công bố một báo cáo tái khẳng định cách tiếp cận cứng rắn hơn trong vấn đề quốc phòng khiến các nước láng giềng phải cảnh giác.
Báo cáo chiến lược này nói rằng sẽ bổ sung việc "bảo vệ các vùng biển lớn" vào nhiệm vụ "phòng thủ ngoài khơi" truyền thống của hải quân, tăng cường khả năng phản công và tiến hành các hoạt động chung trên biển.
Hàng loạt tàu thuyền của Trung Quốc tại bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Trong khi đó, lực lượng hải quân sẽ "nỗ lực chuyển trọng tâm từ bảo vệ không phận sang cả phòng thủ lẫn tấn công".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm. Từ tháng 3/2014, Bắc Kinh ồ ạt cải tạo đất tại 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm.
Những hình ảnh được một máy bay trinh sát Mỹ ghi lại gần đây cho thấy nhiều công trình đang được xây dựng, trong đó có một đường băng đủ dài để mọi loại phi cơ cất và hạ cánh.
"Những hành động của Trung Quốc đang khiến các nước trong khu vực xích lại gần nhau theo những cách thức mới mẻ" - trang tin Sputnik News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói trong một sự kiện quân sự diễn ra hôm 27/5.
Yên Yên (SMH)