Trong bài bình luận đăng hôm 11/8, tờ The Washington Free Beacon của Mỹ viết ‘Lầu Năm Góc tuyên bố bất cứ sự tích tụ nào tại bãi cạn Scarborough là một đường đỏ mà Trung Quốc không nên vượt qua”.
Trung Quốc đang tích tụ lực lượng an ninh hàng hải quanh một đảo tranh chấp chủ chốt ở Biển Đông. Lầu Năm Góc đã cảnh báo Trung Quốc không được quân sự hóa nơi này.
Theo các quan chức Lầu Năm Góc, số lượng các tàu an ninh hàng hải Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough, thuộc quần đảo Trường Sa đã tăng mạnh trong những tuần qua.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã hạn chế việc triển khai tới bãi cạn này, chỉ có từ 2-3 tàu an ninh hàng hải cũng như tàu bảo vệ bờ biển.
Nhưng trong những tuần qua, số lượng tàu chiến của Trung Quốc đã tăng lên hơn chục chiếc, các quan chức Mỹ thạo tin cho biết.
Hơn nữa, Trung Quốc dường như đang gửi đi một dội tàu đánh cá với hàng trăm chiếc tới Scarborough. Hành động này tương tự như những gì đã xảy ra tại Hoa Đông.
Trung Quốc đã điều tổng cộng 324 tàu cá cùng 13 tàu an ninh trên biển tới vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản. Việc triển khai các tàu cá này dựa trên tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc đối với Senkaku/Điếu Ngư.
Chính phủ Nhật Bản đã phản đối những cuộc xâm nhập đánh bắt cá của Trung Quốc. "Tình hình quanh mối quan hệ Trung - Nhật đang xấu đi đáng kể. Chúng tôi không chấp nhận việc Trung Quốc có những hành động đơn phương gây căng thẳng", Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói trong một tuyên bố hôm 9/8.
Việc gia tăng số lượng các tàu hải quân tại bãi cạn Scarborough gần đây trùng với các hoạt động quân sự khiêu khích khác của Trung Quốc tại Biển Đông kể từ khi Tòa trọng tài Thường trực LHQ (PCA) ra phán quyết chống lại yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc hôm 12/7.
Tòa ủng hộ Philippines trong tranh chấp trên biển trong khi Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này là thiếu thẩm quyền pháp lý. Trung Quốc có yêu sách với 90% Biển Đông - "cây cầu" nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi có quá cảnh thương mại hàng năm lên đến 5,3 nghìn tỷ USD.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tìm cách tiếp quản toàn bộ vùng biển này, tuyên bố đây là lãnh hải của Trung Quốc theo lịch sử.
Đầu tuần này, truyền thông Trung Quốc còn đưa tin Bắc Kinh đã điều máy bay ném bom H-6K và chiến đấu cơ Su-30 tới tuần tra khu vực này, trong đó có cả bãi cạn Scarborough.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc không đưa ra bình luận về vụ việc ngay lập tức.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP |
Hoạt động hải quân ngày một gia tăng là một sự phát triển mới. Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói với tờ Wall Street Journal hồi tuần trước rằng "chưa có bất cứ sự thay đổi hành vi nào của Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough cho thấy họ đang nạo vét hay bất cứ hành động nào tương tự".
"Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta thực sự phải chờ xem", ông Harris nói.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hỏi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về việc Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng tại Scarborough.
Câu hỏi của ông Kerry được đưa ra sau các báo cáo của tình báo Mỹ cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây đảo tại bãi cạn này và đã ký hợp đồng với một công ty trong nước để mua thiết bị nạo vét.
Các hoạt động hải quân của Trung Quốc gần đây tại bãi cạn này tại Biển Đông có thể sẽ khiến căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ gia tăng. Vào tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng việc Trung Quốc quân sự hóa tại Scarborough sẽ là một lằn ranh đỏ mà Trung Quốc không nên vượt qua.
Khi được hỏi về khả năng tích tụ quân sự của Trung Quốc tại Scarborough, hôm 4/6, ông Carter nói: "Tôi hy vọng sự phát triển này sẽ không xảy ra bởi nó sẽ dẫn tới những hành động của cả Mỹ và những bên khách trong khu vực và điều này không chỉ làm tăng căng thẳng mà còn cô lập Trung Quốc".
Các chuyên gia quân sự tin rằng việc tăng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough có thể là bước đi đầu tiên trong hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc tại nơi này. Bãi cạn này nằm gần nơi quân Mỹ sắp triển khai tới Philippines.
Lần gần đây nhất Trung Quốc đã đưa số lượng lớn các tàu hải uân tới bãi cạn Scarborough là vào tháng 4/2012. Khi ấy 10 tàu đã được triển khai. Các tàu này đã lập một hàng rào an ninh quanh bãi cạn và ngăn Philippines quá cảnh tại vùng biển gần đó.
Vậy là Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough kể từ năm 2012 đến nay.
"Sự tăng cường hiện diện của các tàu quân sự Trung Quốc tại Scarborough có thể cho thấy Bắc Kinh hiện đã quyết định bắt đầu quá trình cải tạo đất trong và quanh bãi cạn này nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự rộng lớn hơn tại lối vào Biển Đông", đại úy hải quân Jim Fanell, cựu giám đốc tình báo Hạm đội Thái Bình Dương cho biết.
"Nếu các tàu này ở đúng chỗ, Hải quân Mỹ sẽ có thời gian khó khăn để hất cẳng chúng đi một khi quá trình cải tạo bắt đầu lúc các tàu nạo vét tới và hoạt động. Hoạt động trinh sát của Mỹ và các đồng minh đã gia tăng, việc bay trực tiếp trên bãi cạn này nên được tiến hành và kết quả cần được chia sẻ cho báo chí để xác nhận hoặc phủ nhận những hành vi của Trung Quốc", ông Fanell nói thêm.
Việc phát hiện ra số lượng lớn lực lượng hải quân tại bãi cạn Scarborough xảy ra giữa lúc các ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc đã triển khai các chiến đấu cơ với những nhà chứa lâu dài tại 3 hòn đảo khác ở quần đảo Trường Sa.
Các hình ảnh do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố cho thấy những nhà chứa máy bay được xây nhanh chóng ở đá Chữ Thập, đá Xu bi và đá Vành khăn - 3 hòn đảo mà Lầu Năm Góc cho là một phần trong "tam giác" cơ sở quân sự của Trung Quốc.
Trái ngược với những gì báo chí đưa, các nhà chứa máy bay này không đủ bền vững để chống lại các cuộc tấn công. Thay vào đó, chúng được tăng cường để chống lại những cơn bão thường xuyên đi qua Biển Đông.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng những nhà chứa máy bay mới này đại diện cho sự tích tụ quân sự đáng kể trên các đảo bởi chúng có thể được sử dụng để phục vụ và sử chữa cho không lực Trung Quốc lâu dài.
"Trong quá khứ, họ phải trở về đất liền để bảo trì", quan chức này nói.
Bảo Linh (The Washington Free Beacon)