Các tính năng chiến đấu được nâng cấp trên tàu đô đốc của hạm đội Biển Đông khiến các chuyên gia quốc phòng phương Tây ấn tượng giữa lúc Bắc Kinh đe dọa cố sống cố chết bảo vệ vùng lãnh thổ tranh chấp.
Trung Quốc nâng cấp những vũ khí hiện đại cho tàu khu trục tại hạm đội Biển Đông. Ảnh minh họa: AP |
Theo tạp chí IHS Jane's Defence Weekly, Trung Quốc đã hoàn thành việc nâng cấp các vũ khí quan trọng cho tàu khu trục Shenzen. Con tàu sẽ trở lại hoạt động trong hạm đội Biển Đông của Hải quân Trung Quốc (PLAN) giữa lúc căng thẳng leo thang tại lãnh thổ tranh chấp.
Hệ thống tên lửa của tàu Shenzen (tàu khu trục lớp Luhai duy nhất của Trung Quốc) đã được nâng cấp lên phiên bản máy phóng thẳng đứng 32 ống, có khả năng phong đi các tên lửa đất đối không tầm trung HHQ-16 có tầm bắn tới 19 hải lý và tốc độ tối đa 3.457 km/h. Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng hệ thống này sánh ngang với hệ thống tên lửa Gollum/Shtil-2 đầy uy lực của Nga.
Một đặc tính chiến đấu khác được thêm vào cho con tàu này là 4 súng phòng không hai nòng 37 mm với 3 hệ thống vũ khí đánh gần Type 1130, cùng với các radar tìm kiếm trên không và trên mặt đất đã được nâng cấp. Hệ thống radar của tàu cũng được tăng cường để loại bỏ một điểm mù trong phạm vi có thể nhìn thấy của hệ thống trước đó.
Con tàu 6.000 tấn này được đưa vào hoạt động năm 1999 và là chiếc duy nhất trong số các lớp tàu khu trục hiện đại vì nó sử dụng hệ thống đẩy hơi nước và còn có chức năng như một nhà chứa máy bay với khoảng không gian cho phép 2 trực thăng hạ cánh.
Trước khi nâng cấp, tàu Shenzen là soái hạm trong hạm đội Biển Đông của Bắc Kinh nhưng không rõ liệu có còn giữ vị trí tàu chỉ huy trong lực lượng Hải quân Trung Quốc nữa hay không.
Việc nâng cấp đáng kể diễn ra khi Bắc Kinh đối mặt với áp lực ngày càng tăng để giảm bớt những yêu sách đối với Biển Đông.
Phán quyết gần đây của Tòa trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) đang bị Trung Quốc thách thức. Bắc Kinh nói The Hague không có thẩm quyền để quyết định vụ án này. Theo giải thích của Bắc Kinh, Trung Quốc phải cùng đệ trình tranh chấp thì phán quyết của tòa mới có hiệu lực.
Mặc dù giải thích như vậy nhưng Bắc Kinh vẫn đang phải đối mặt với áp lực từ phương Tây cũng như các đối thủ trong khu vực là Nhật và Australia. Các nhà phân tích quan ngại rằng điều đó có thể dồn chính quyền ông Tập Cận Bình vào gốc, làm gia tăng nguy cơ chiến sự xảy ra.
Trung Quốc đã cảnh báo người dân của mình phải chuẩn bị cho chiến tranh tại Biển Đông. Nước này cũng tiếp tục đưa ra những tuyên bố chống lại cả Nhật và Australia. Sau đó, điều này trở thành cảm hứng để tờ Nhân dân Nhật Báo viết bài kêu gọi chiến tranh quân sự.
Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc đã triển khai các cuộc tuần tra chiến đấu tới Biển Đông và tăng cường tập trận hải quân với sự tham gia của Hải quân Nga cùng một số nước đối lập với phương Tây.
Bảo Linh (Sputnik)