Theo Tân Hoa xã, cảnh sát Bắc Kinh, Giang Tô và Sơn Đông đã triệt phá đường dây do nghi phạm họ Kong cầm đầu, đang sản xuất vắc xin giả từ một lọ dung dịch muối đơn giản. Vắc xin được bán ở Trung Quốc và các nước khác dù không rõ loại nào. Nhóm này đã hoạt động từ tháng 9/2020.
“Trung Quốc đã báo cáo tình hình cho các nước liên quan”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết tại cuộc họp giao ban ngày 2/2. Ông Uông nói: “Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao tính an toàn của vắc xin và sẽ tiếp tục nỗ lực truy tố nghiêm khắc bất cứ hành vi làm giả, buôn bán hàng giả và kinh doanh bất hợp pháp nào, cũng như các hành động khác liên quan đến vắc xin. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác thực thi pháp luật với các quốc gia liên quan để nghiêm túc ngăn chặn sự lây lan của hành động bất hợp pháp và tội phạm này”. Ông Uông không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trung Quốc có rất nhiều vụ bê bối liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh vắc xin. Năm 2016, cảnh sát nước này bắt giữ 2 người cầm đầu đường dây buôn bán hàng triệu liều vắc xin bảo quản không đúng cách trên khắp cả nước.
Để đối phó với những vụ bê bối gần đây, Trung Quốc đã cải cách các quy định về an toàn vắc xin và tăng hình phạt hình sự đối với những người bị bắt quả tang làm giả thuốc.
Trong nước, nhiều công dân Trung Quốc không tin tưởng vào vắc xin nội. Các cuộc khảo sát trước đây cho thấy niềm tin vào vắc xin đã giảm sau những vụ bê bối như năm 2016. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên thì niềm tin lại tăng cao.Có 74% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát đăng trên tạp chí Tài Tân của Trung Quốc cho biết họ sẽ dùng vắc xin Covid-19 nếu có sẵn.
Trung Quốc hiện có ít nhất 7 loại vắc xin Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và có một loại đã được phê duyệt để sử dụng trong nước, do công ty nhà nước Sinopharm sản xuất.
Các nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội do đại dịch mang lại để vươn ra toàn cầu. Sinopharm và các công ty Trung Quốc khác đã thực hiện những giao dịch hoặc tài trợ vắc xin tại ít nhất 27 quốc gia trên thế giới.
Trong nước, Trung Quốc đã tiêm hơn 24 triệu liêu vắc xin cây nhà lá vườn như một phần của chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Cho đến nay, họ hạn chế tiêm vắc xin cho những người cao tuổi nhất, thay vào đó tiêm cho các nhóm chính như nhân viên y tế, công nhân làm việc trong các ngành liên quan đến thực phẩm và người trưởng thành từ 18-59 tuổi.
(Theo AP)