Trung Quốc hôm 9/6 đã lớn tiếng chỉ trích Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) vì những phát biểu mà Bắc Kinh mô tả là "vô trách nhiệm" về tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trong thông cáo kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Đức hôm 8/6, các nhà lãnh đạo của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng hàng hải châu Á và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế.
"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc sử dụng hăm doạ, cưỡng ép hay vũ lực, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng, như việc cải tạo đất quy mô lớn", tuyên bố của G7 viết.
Theo VOA News, bình luận trên được coi là lời chỉ trích Trung Quốc vì hành vi xây đảo nhân tạo để thực thi tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Ngay lập tức, Bắc Kinh đã có động thái đáp trả tuyên bố của G7.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. |
Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, còn cho rằng tuyên bố của G7 là "xa rời thực tế". Theo Tân Hoa xã, ông Hồng nói Trung Quốc sẵn sàng đáp trả bất cứ hành vi nào xâm phạm quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng với việc bao biện cho hành động xây dựng trái phép ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng các nước bên ngoài không được can thiệp vào công việc được cho là trong phạm vi "chủ quyền" của nước này.
Về vấn đề tự do hàng hải, ông Hồng Lỗi tiếp tục nhắc lại quan điểm của Trung Quốc cho rằng tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông "không hề bị ảnh hưởng".
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đề nghị G7 làm những việc có lợi cho xử lý và giải quyết thỏa đáng các tranh chấp, có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Nhiều vấn đề nổi cộm đã tìm thấy tiếng nói chung tại G7 năm nay, trong đó có sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. |
Đây là lần thứ hai Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới ra Tuyên bố trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động san lấp và xây dựng với quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 15/4, Hội nghị Ngoại trưởng G7 tổ chức tại Đức lần đầu tiên ra Tuyên bố riêng biệt về vấn đề an ninh hàng hải, trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hoạt động san lấp và xây dựng quy với mô lớn ở Biển Đông, cho rằng đây là hoạt động làm thay đổi nguyên trạng, ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quốc từ hồi đầu năm tăng tốc bồi đắp, cải tạo trái phép 7 đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ cuối tháng trước xác nhận Bắc Kinh đã chuyển vũ khí đến một đảo nhân tạo nước này đang xây dựng. Thái độ quyết liệt của Bắc Kinh trước việc Washington triển khai máy bay tuần tra ở Biển Đông khiến dư luận lo ngại về nguy cơ xung đột ở khu vực.
Yên Yên (tổng hợp)