Nhiều ngư dân Philippines đã phải neo tàu, gác lưới tìm công việc khác sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough và tăng cường hoạt động cải tạo trái phép trên Biển Đông.
Theo bài viết trên The Washington Post, với nhiều thế hệ ngư dân trong khu vực, Biển Đông là ngư trường và tuyến giao thương quan trọng. Các tàu cá từ tất cả những nước xung quanh thường qua lại, trao đổi thuốc lá, khoai tây hay những câu chuyện phiếm với nhau.
Tuy nhiên, khi tranh chấp nổ ra giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo, nhất là sau những hành động hung hăng của Trung Quốc những năm gần đây, cuộc sống của các ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, từ sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, đời sống ngư dân Philippines lâm vào cảnh khó khăn. Tàu cao tốc Trung Quốc thường xuyên xua đuổi ngư dân Philippines khỏi khu vực bãi cạn Scarborough vốn là một ngư trường dồi dào thủy sản. Nhiều ngư dân Philippines đành bỏ biển, kiếm việc khác sống qua ngày.
Ngư dân Philippines đi về tay không sau khi đến gần khu vực bãi cạn Scarborough và bị Trung Quốc dùng vòi rồng và súng xua đuổi. |
Marvin-1, chiếc tàu cá của một ngư dân có tên Macario Forones giờ đây nằm bất động trên bờ sau khi trúng đạn từ tàu cao tốc Trung Quốc và ông phải đi lấy cá của người khác mang vào chợ bán.
Efrim Forones, một ngư dân khác, chuyển sang mò nghêu ở vịnh và thu nhập chỉ bằng một phần mười so với thời đi đánh bắt xa bờ.
Ngư dân Viany Mula thì cho hay, ông từng đối đầu với vòi rồng của Trung Quốc khi mạo hiểm giong thuyền ra bãi cạn mà Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham. Nhưng bây giờ, ông làm nghề chở hàng quanh thị trấn bằng xe máy và hiếm khi kiếm đủ tiền đong gạo mỗi ngày.
Hermogenes E. Ebdane Jr., thống đốc tỉnh Zambales cho hay, ông không rõ mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là gì.
"Không ai đi đến chiến tranh vì mấy con cá", ông nói.
Các ngư dân của ông sẽ phải kiếm nghề khác để làm nhưng nếu cuộc đối đầu trên Biển Đông lan rộng ra, không rõ Philippines sẽ đóng vai trò gì.
Khi người Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông với các chuyến tuần tra hàng hải và hàng không, tranh chấp Biển Đông không chỉ là một cuộc tranh chấp ngư trường nữa mà giống như một cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai cường quốc.
Tàu cá Marvin-1 của ông Efrim Forones nằm chỏng chơ ở Masinloc, Philippines, sau khi bị Trung Quốc cấm đánh bắt ở Scarborough/Hoàng Nham. |
Nhiều người Philippines cảm thấy được trấn an khi Mỹ gần đây chú ý đến tranh chấp trong khu vực. Nhưng họ cũng băn khoăn rằng liệu người Mỹ có quan tâm nhiều đến những người đang phải trả giá khi cuộc tranh chấp ngày càng lún sâu.
Giới lãnh đạo quân đội Philippines cũng tỏ ra hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với đồng minh nếu chiến tranh xảy ra. Mỹ và Philippines có hiệp ước hợp tác an ninh, theo đó Washington sẽ bảo vệ Manila nếu Philippines bị tấn công. Tuy nhiên, Washington lại không công nhậntuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines.
Mỹ chiếm Philippines từ tay Tây Ban Nha năm 1898 và cai trị đến năm 1946. Quân đội Mỹ tiếp tục duy trì các căn cứ thường xuyên tại đây cho đến năm 1991.
Một thỏa thuận được ký kết năm ngoái cho phép quân đội Mỹ hiện diện thường xuyên trở lại và điều chuyển luân phiên lực lượng đến các căn cứ ở Philippines. Washington cũng tăng cường các chuyến thăm và tuần tra, tổ chức tập trận chung và hỗ trợ các thiết bị quân sự đã qua sử dụng.
Yên Yên (tổng hợp)