Tòa án Trung Quốc hôm qua 2/12 đã tuyên bố trắng án cho một thanh niên bị tử hình từ 21 năm trước vì đã có người khác nhận tội.
Theo Channel News Asia, Tòa án tối cao Trung Quốc đã tuyên bố Nhiếp Thụ Bân-nam thanh niên bị tử hình năm 1995 với cáo buộc hiếp dâm, giết người.
Tòa án Tối cao Trung Quốc mới đây đã ra thông báo trên mạng xã hội "Tòa tối cao tin rằng, các sự kiện trong bản án ban đầu là không rõ ràng và không đủ bằng chứng. Tòa quyết định thay đổi bản án gốc đối với một người vô tội". Tòa án cho rằng, án sai này có thể xuất phát từ việc cảnh sát ép cung và thiếu sót trong khâu thực nghiệm hình sự lúc điều tra.
Bà Trương đã tìm cách giải oan cho con suốt bằng ấy năm. Ảnh: CNN |
Năm 1995, Nhiếp bị tử hình vì cáo buộc giết hại và cưỡng hiêp một phụ nữ. Thi thể nạn nhân được tìm thấy trên cánh đồng ngô, ngoại ô thành phố Thạch Gia Trang, phía bắc tỉnh Hà Bắc. Theo thông báo của Tòa án, khi đó không xác định được phương pháp cũng như động cơ gây án của hung thủ. Tài liệu về bằng chứng, lời khai đều bị mất.
Theo CNN, cơ quan chức năng đã tiến hành "xử kín", không cho phép cha mẹ vào tham dự. Anh Nhiếp khi đó còn khẳng định mình bị đánh và buộc phải nhận tội sau 6 ngày bị bắt giam. 7 tháng sau đó, anh Nhiếp bị tử hình trong khi bố mẹ không hề hay biết. Sau khi nhận được hung tin, chồng bà đã cố tìm cách tự tử nhưng không thành do quá đau đớn.
Đến năm 2005, một kẻ giết người hàng loạt đã bị bắt và khai nhận hành vi phạm tội khi đó. Gia đình của Nhiếp đã tiến hành đòi lại công lý sau đó nhưng vụ án chỉ chính thức được mở ra vào năm 2014. Bà Trương Hoán Chi, mẹ của Nhiếp chia sẻ, "Tôi chỉ muốn nói với con trai tôi rằng con là một người tốt, con vô tội". Bà Trương cũng cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người trong vụ án này. Luật sư Lý của gia đình này chia sẻ, "khi tòa án tuyên bố Nhiếp vô tội, bà Trương đã bật khóc nức nở, những người có mặt cũng cảm thấy vô cùng xúc động".
Tòa án cấp cao tỉnh Hà Bắc, nơi tuyên án tử hình đối với Nhiếp cũng bày tỏ "hối tiếc sâu sắc" đến người thân của Nhiếp và cho biết sẽ điều tra "các vấn đề vi phạm pháp lý có thể dẫn đến bản án".
Nghiêm Thu (CNN)