"Về nguyên tắc, việc trình các loại hóa đơn, chứng từ là căn cứ cần thiết để giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, bên oan sai và bên gây oan sai sẽ tiến hành hòa giải trước, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tới luật pháp can thiệp" - Luật sư Lê Văn Kiên nhận định.
Liên quan vụ việc cụ ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, trú tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) bị kết án tử hình oan từ cách đây 46 năm, mới đây (hôm 6/8) đại diện TAND tối cao và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đến nhà ông Thêm để thăm hỏi, xác minh những thông tin xung quanh vụ án được cho là "có một không hai trong lịch sử tố tụng Hình sự Việt Nam" (theo lời của Phó chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa- PV). Các cán bộ Tòa án cam kết, trong tuần này sẽ thông báo chính thức toàn bộ sự việc, sau khi đã mất nhiều thời gian để tìm lại chứng cứ và hồ sơ lưu trữ.
Được biết, tính đến thời điểm được thả ra tù, tổng thời gian ông Thêm phải ngồi oan ở trại giam là 5 năm 6 tháng 7 ngày. Và cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã được trả tự do hơn 40 năm (từ năm 1976) nhưng cũng chừng đó thời gian, ông Thêm mang trên mình bản án oan tử hình vì chưa được minh oan.
Chia sẻ ý quan điểm về vấn đề bồi thường đối với 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù oan và hơn 40 năm mang án tử hình oan đối với cụ ông Trần Văn Thêm, Luật sư Lê Văn Kiên - Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý cho biết, theo quy định của Luật tố tụng hình sự Việt Nam, khi đã có bản án Giám đốc thẩm hủy án Sơ thẩm và Phúc thẩm để điều tra lại thì toàn bộ hồ sơ vụ án phải được trả lại để cơ quan điều tra lại.
Ông Trần Văn Thêm mang án oan tử hình suốt hơn 40 năm qua. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Cụ thể, trong vụ án này, nếu đã xác định được người phạm tội không phải là ông Trần Văn Thêm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Văn Thêm và khôi phục lại toàn bộ quyền lợi hợp pháp cho ông Trần Văn Thêm. Nếu ông Thêm được đình chỉ điều tra vì không thực hiện hành vi phạm tội thì ông Thêm có quyền làm đơn đề nghị được bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Các khoản tiền được bồi thường gồm: Số ngày phải chịu tù oan; thu nhập thực tế bị mất; tổn hại về tinh thần. Cơ quan phải bồi thường là cơ quan gây oan sai sau cùng. Trong vụ án này là Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội (nay là Tòa án Nhân dân cấp cao tại thành phố Hà Nội) phải có trách nhiệm bồi thường.
Trước câu hỏi liệu ông Thêm và gia đình có phải trình các loại giấy tờ, hóa đơn chứng từ làm căn cứ giải quyết bồi thường oan sai, luật sư Kiên khẳng định, theo quy định, bên đòi bồi thường oan sai vẫn phải trình các loại giấy tờ trên. Tuy nhiên, về nguyên tắc hòa giải, hai bên (người oan sai và cơ quan gây oan sai) cùng tiến hành hòa giải, thương lượng trước. Nếu trong quá trình hòa giải, hai bên không thống nhất được mức bồi thường thì ông Thêm có thể khởi kiện ra tòa" - Luật sư Kiên cho biết.
Trước đó, vào năm 1970, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phú cũ xảy ra một vụ giết người, cướp của. Ông Trần Văn Thêm được xác định hung thủ gây ra cái chết cho nạn nhân (là em họ của ông) và cướp của.
Đến tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú đã tuyên tử hình ông Thêm. 1 năm sau, tại phiên tòa Phúc thẩm diễn ra vào tháng 8/1973, tòa cấp Phúc thẩm cũng y án Sơ thẩm vì HĐXX cho rằng, đủ căn cứ tuyên tử hình ông Thêm vì tội Giết người, Cướp tài sản. Năm 1974, Tòa án Nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục phúc thẩm kết tội y án mức án tử hình.
Đến năm 1976, khi bị bắt trong một vụ án khác, đối tượng Phan Thanh Nhàn (59 tuổi, ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phú) đã khai mình là thủ phạm trong vụ án gây ra cái chết cho em họ ông Thêm. Đêm 30 Tết năm đó, ông Thêm được bác sỹ ở Bộ Công an cấp cho một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống nhưng không được chứng minh bị kết án oan.
Vũ Đậu