(Tinmoi.vn) Trung Quốc hi vọng giàn khoan Hải Dương 981 có thể đem lại cơ hội hiện hữu đầu tiên về dầu ở Biển Đông trong bối cảnh quốc gia với hơn 1,2 tỷ dân này đang phải nhập khẩu gần 60% nhu cầu về dầu và 30% nhu cầu gas.
Theo Reuters, một số chuyên gia công nghiệp năng lượng Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương-981(Haiyang Shiyou 981), từng được Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) xem như"lãnh thổ quốc gia di động", sẽ được di chuyển tới khu vực khác trên Biển Đông sau khi hoàn tất hoạt động thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa và có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa.
Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam
Reuters dẫn lời ông Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng Trung Quốc, thuộc Đại học Xiamen, cho rằng: "Giàn khoan được thiết kế để thăm dò dầu ở Biển Đông. Nó sẽ di chuyển vào vùng nước sâu ở các khu vực khác trên Biển Đông".
Trong khi đó, ông Wu Shicun, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh khá tự tin về khả năng có dầu ở khu vực mà giàn khoan 981 vừa hoàn thành giai đoạn một.
"Nếu không thì họ không bắt tay vào triển khai. Bắc Kinh đang gửi đi một tín hiệu với cộng đồng quốc tế rằng họ có khả năng thăm dò ở vùng nước sâu. Trung Quốc có thể làm việc này từ lâu nhưng lại không có phương tiện và công nghệ".
"Tại thời điểm này, nơi giàn khoan đang hoạt động nhiều khả năng là một mỏ khí đốt. Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát địa chất ba chiều (3D) trước khi đưa giàn khoan tới đó", ông này nói thêm.
Các chuyên gia nhận định, nếu giàn khoan tìm thấy dự trữ dầu, Trung Quốc có thể đưa cơ sở vật chất đến để khai thác dầu và tàu đặt ống dẫn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển dầu khí sang tàu. Quá trình này có thể mất vài năm, còn việc khai thác sẽ kéo dài hàng chục năm.
Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trên Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, bởi vị trí của giàn khoan hiện nay nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hôm 27/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Trung Quốc về phía đông nam đảo Tri Tôn.
Tàu Hải cảnh, tàu Ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc tập trung bảo vệ ở phạm vi cách giàn khoan 5-6 hải lý, đồng thời tổ chức điều hành thành nhiều nhóm áp sát các tàu chấp pháp của lực lượng Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan nhằm vây ép, đâm va đẩy phạm vi hoạt động của tàu Việt Nam từ 5-6 hải lý ra ngoài 10 hải lý.
Tàu cá Trung Quốc tổ chức thành nhóm để cản trở, vây ép và đe dọa đẩy các tàu của ngư dân VN hoạt động ở phạm vi cách giàn khoan 25-30 hải lý.
Tàu quân sự chia làm 2 nhóm, một nhóm bảo vệ quanh khu vực giàn khoan 8-10 hải lý, nhóm còn lại bảo vệ vòng ngoài nhằm ngăn cản các tàu chấp pháp của VN đang làm nheiemj vụ . Ban đêm các tàu quân sự này tắt đèn, thả trôi gây nguy hiểm cho các tàu của VN.
Yên Yên