Tin mới

Giàn khoan HD 981 - "nước cờ sai" bị bóc mẽ của Trung Quốc

Thứ ba, 20/05/2014, 15:14 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Đưa giàn khoan HD 981(Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam với nhiều tính toán chính trị thay vì kinh tế, nhưng Trung Quốc đã quên một điều rằng, chẳng Tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở biển Đông hiện nay là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

(Tinmoi.vn) Đưa giàn khoan HD 981(Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam với nhiều tính toán chính trị thay vì kinh tế, nhưng Trung Quốc đã quên một điều rằng, chẳng Tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở biển Đông hiện nay là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

 

Trang tin tức Asia Sentinel hôm 19-5 đăng bài viết trong đó nhận định Trung Quốc đã tính toán sai khi đưa giàn khoan nước sâu HD 981 vào vùng biển của Việt Nam.

Không tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở Biển Đông là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc

Theo bài viết, một bước đi đơn phương như thế không chỉ khiến quan hệ với Việt Nam căng thẳng mà còn dẫn đến làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế và làm sống lại “mối đe dọa Trung Quốc” ở Đông Nam Á và khiến cho khối ASEAN thêm xích lại gần nhau, đoàn kết, thống nhất trước nguy cơ chung.

Asia Sentinel nhận định, rõ ràng Tập đoàn Dầu khí hải dương (CNOOC) có đủ thời gian và cơ hội để khảo sát địa chất và tiềm năng mỏ dầu tại khu vực hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, những gì mà Việt Nam và cộng đồng quốc tế đang chứng kiến là hành động đặt giàn khoan phi pháp của Bắc Kinh trong một khu vực chưa từng có mỏ dầu nào được phát hiện. Bởi thế, cũng như ý kiến nhiều chuyên gia trước đó, trang tin tức này tái khẳng định rõ ràng hành động này mang động cơ chính trị nhiều hơn là kinh tế.

Giàn khoan HD 981 - nước cờ sai bị bóc mẽ của Trung Quốc

HD 981 thực chất phục vụ cho mục đích chính trị, không hề có khả năng mang lại lợi nhuận kinh tế nào

Theo chuyên gia Yenling Song của Công ty Platts Energy (Singapore), Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang phải chi ra số tiền khoảng 328.000 USD mỗi ngày để duy trì hoạt động của giàn  khoan, trong khi khả năng nó tìm thấy dầu tại nơi đang hoạt động trái phép là không nhiều.

CNOOC biết rõ số tiền bỏ ra không hề nhỏ, trong khi cuối cùng giàn khoan vẫn sẽ phải dời đi nhưng vẫn cố tình duy trì hành động đơn phương, phi pháp và hứng nhiều chỉ trích này. Sớm muộn gì, Bắc Kinh cũng sẽ rút giàn khoan về và tất cả những căng thẳng họ gây ra trên Biển Đông trong thời gian qua đổi lại là không mang về bất cứ lợi ich kinh tế nào.

Lợi nhuận đã không là lý do thì nhiều khả năng Bắc Kinh muốn củng cố yêu sách chủ quyền trên biển Đông thông qua hành động này. Thế nhưng, mục đích của Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại. Phản ứng cương quyết, cứng rắn của Việt Nam cùng sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế chỉ chứng tỏ Bắc Kinh đang ngày càng bị cô lập. Bên cạnh đó, chẳng có tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở biển Đông hiện nay là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Khiến ASEAN trở nên đoàn kết hơn

Một lý do khác là Trung Quốc có thể âm mưu gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN và cô lập Việt Nam. Bắc Kinh có lẽ hy vọng lặp lại thành công mà nước này đạt được tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia hồi tháng 7-2012. Hội nghị này diễn ra sau khi Trung Quốc chiếm giữ thành công bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và đã không có thông cáo chung nào về biển Đông được đưa ra do những bất đồng sâu sắc.

Tuy nhiên, điều này không tái diễn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Myanmar gần đây. Có lẽ trước đó, các nhà ngoại giao Bắc Kinh hi vọng rằng Campuchia, Myanmar, Thái Lan hoặc Lào sẽ phủ quyết một tuyên bố chung, khiến Việt Nam hoàn toàn bị cô lập, không có sự ủng hộ nào từ tổ chức và nội bộ ASEAN bị chia rẽ.

Thế nhưng, Bắc Kinh lại sai lầm một lần nữa. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và hội nghị cấp cao sau đó đã lần lượt đưa ra tuyên bố chung chỉ trích những sự kiện ở biển Đông. Bài viết nhận định: “Nếu Trung Quốc hy vọng cô lập được Việt Nam và gây chia rẽ ASEAN thì nước này đã thất bại. Đối mặt với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biển Đông, ASEAN trở nên đoàn kết và lo ngại về những ý đồ của Trung Quốc hơn bao giờ hết”.

Bắc Kinh vấp phải độ cứng rắn của Việt Nam và sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế

Bên cạnh đó, cũng có thể xem hành động nêu trên của Trung Quốc là nhằm gây sức ép lên Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN về vấn đề soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Trước những thỏa thuận hải phận luôn đi vào bế tắc giữa Việt Nam và Trung Quốc do những đòi hỏi phi lí, thiếu căn cứ từ Bắc Kinh, hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam lần này là tuyên bố trực tiếp rằng họ sẽ thực hiện những mục tiêu lãnh thổ, bất chấp Hà Nội có đồng ý hay không.

Giàn khoan HD 981 - nước cờ sai bị bóc mẽ của Trung Quốc

Bắc Kinh vấp phải sự phản đối kịch liệt, thái độ cương quyết của chính phủ và nhân dân Việt Nam

Tuy nhiên, HD 981 không những không có khả năng phát hiện dầu, thậm chí nếu có, việc xây dựng một đường ống dẫn cũng sẽ cực kì khó khăn. Nhưng đáng nói hơn, đó là thái độ cứng rắn, cương quyết từ phía Hà Nội khiến Bắc Kinh liên tục gặp khó khăn và chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Một khi an ninh trong khu vực bị đe dọa, các tổ chức quốc tế và khu vực sẽ không "ngồi yên" nhìn Trung Quốc "gây hấn" tại Biển Đông.

ASEAN hy vọng COC có thể giúp ngăn chặn những tranh chấp trên biển nhưng Trung Quốc lại không hào hứng trong việc hoàn tất văn kiện này, khiến  các cuộc đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ. Những diễn biến mới nhất ở biển Đông chắc chắn sẽ càng khiến ASEAN quyết tâm đòi hỏi một COC nghiêm ngặt. Một lần nữa, theo bài viết, bước đi giàn khoan lại có hại cho Trung Quốc về lâu dài.

HD 981 - Chiêu "tung hỏa mù" cho mục đích thực sự

Trang tin tức Asia Sentinel cho rằng, thực chất, mục đích chính là của Trung Quốc sau động thái giàn khoan chính là việc hướng sự chú ý của quốc tế vào sự việc này để "rảnh tay" biến các rặng san hô thành một căn cứ không quân trên Biển Đông. Gần đây, Philippines cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một đường băng trên đảo Gạc Ma. Nhiều khả năng, giàn khoan HD 981 chỉ là một chiêu tung hỏa mù của Bắc Kinh để thực hiện mục đích thực sự của họ trong chiến lược mở rộng lãnh thổ.

Giàn khoan HD 981 - nước cờ sai bị bóc mẽ của Trung Quốc

Nhiều chuyên gia nhận định, HD 981 chỉ là chiêu "tung hỏa mù" cho ý định thực sự của Trung Quốc là xây dựng căn cứ không quân trên đảo Gạc Ma

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Trung Quốc những tuần gần đây đã chuyển đất đá cùng vật liệu tới bãi Gạc Ma và dường như đang có hoạt động khai hoang đất đai. Đây là hành động vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông. Gạc Ma là một bãi đá, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.

Nói tóm lại, cho dù có ý đồ gì thì hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông hiện nay sẽ chỉ gây tổn hại cho nước này cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Các nước láng giềng sẽ ngày càng tức giận, lo lắng và xa lánh Trung Quốc, đồng thời có thêm lý do mới để hoan nghênh chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Bằng chứng là cả Malaysia và Indonesia đang công khai lo ngại về Trung Quốc ở biển Đông. 

 

Yên Yên (Theo Asia Sentinel)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news