Cải cách quân đội, gia tăng giá trị đồng NDT cũng như Chính sách ngoại giao đặc thù là một trong những bước "đại nhảy vọt" đáng chú ý của Trung Quốc trong năm 2015 vừa qua
1. Cải cách quân đội Trung Quốc
Cắt giảm binh lính
Trong phát biểu khai mạc buổi duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai trên quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ cắt giảm 13% quân số của lực lượng quân đội được cho lớn nhất thế giới, con số cắt giảm tương đương 300 nghìn quân, trong đó 170 nghìn quân sĩ từ cấp trung úy đến đại tá. Ông Tập Cận Bình phát biểu “Trung Quốc luôn theo đuổi con đường phát triển hòa bình”, Duowei cho biết.
Tăng cường phát triển lực lượng Hải quân
Giữa năm nay, trước thềm Đối thoại Shangri-la, Trung Quốc phát hành Sách Trắng phác thảo chiến lược quân sự của mình. Bắc Kinh sẽ ưu tiên cho hải quân, không quân và Quân đoàn pháo binh số 2 (đơn vị điều khiển các tên lửa đạn đạo) và phát triển kỹ thuật mới để chuẩn bị cho sức mạnh quân sự và ngăn chặn những đối thủ tiềm ẩn như Mỹ và Nhật. Mục tiêu dài hạn là đưa PLA trở thành lực lượng quân đội tiên tiến và hiện đại nhất ở châu Á. Theo đó, quân đội Trung Quốc sẽ tăng số lượng quân cho lực lượng hải quân, không quân và Quân đoàn Pháo Binh số 2, đồng thời giảm số lượng quân khu hiện tại từ 7 xuống còn 4 hoặc 5. Trung Quốc hy vọng dùng sức mạnh hải quân và không quân để kiểm soát khu vực trên biển trải dài dọc bờ biển tới Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Điều này được nêu rõ trong Chiến lược quân sự của Trung Quốc để thay đổi trọng tâm từ "bảo vệ biển gần" sang "kết hợp bảo vệ biển gần và cả biển xa".
Tăng cường hiện đại hóa vũ khí và khí tài
Trong năm qua, Trung Quốc liên tục đẩy mạnh các chương trình nhằm hiện đại hóa vũ khí và khí tài của mình. Mới đây,trong tháng 10, Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, loại vũ khí có thể bắn ra từ khoảng cách gần 1.500 km, có thể chuyển hướng để tránh tên lửa đánh chặn của đối phương, và lao xuống tàu sân bay với tốc độ cực cao. Tên lửa đạn đạo này của Trung Quốc khiến tàu sân bay của Mỹ có nguy cơ bị xếp xó. Trước đó, tập đoàn nhà nước Aviation Industry Corp of China (Avic) đã tiết lộ sức mạnh của máy bay tàng hình J-31 tại triển lãm hàng không. Theo thông tin cho biết, máy bay này có phạm vi chiến đấu 1.200km và tốc độ tối đa 2.205km/h. Nó được thiết kế để hoạt động đến 30 năm và có khả năng chuyên chở tối đa 8 tấn. Điểm yếu lớn của hải quân Trung Quốc hiện nay là các tàu ngầm của họ quá ồn và dễ bị đối phương phát hiện. Gần đây, Trung Quốc đã cải thiện và triển khai tàu ngầm lớp Nguyên và Kilo 636 hoạt động êm và khó phát hiện hơn rất nhiều.
Chấm dứt các hoạt động kinh doanh sinh lời của quân đội
Vấn đề được sự chú ý nhiều nhất trong công cuộc cải tổ quân đội của ông Tập chính là việc chấm dứt các hoạt động kinh doanh sinh lợi của quân đội nhằm giải quyết nạn tham nhũng, duy trì bản sắc và bản chất thật sự của quân đội. Theo đó, Đặng Tiểu Bình khi đó cho phép quân đội tham gia làm kinh tế bằng các hoạt động như cho công ty xây dựng quân đội hoạt động bên ngoài, cho thuê nhà xưởng quân đội cho các hãng kinh doanh, cho các đội văn công biểu diễn kiếm tiền, tiếp nhận dân thường ở các bệnh viện quân đội hay các học viện... để có thể tự chủ một phần tài chính và cắt giảm gánh nặng ngân sách quốc phòng. Đến năm 1998, ông Giang Trạch Dân đã có ý muốn chấm dứt việc này, nhưng “đành nhượng bộ để giành được sự ủng hộ của các tướng lĩnh có tầm ảnh hưởng lớn.”
2. Bước đại nhảy vọt kinh tế: Đồng NDT chính thức gia nhập SDR
12 năm sau khi gia nhập WTO vào năm 2001, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc đã có bước nhảy vọt, trở thành nước có kim ngạch thương mại lớn nhất toàn cầu. Giờ đây, khi đồng nhân dân tệ được IMF cho phép gia nhập giỏ tiền tệ SDR, một bước nhảy vọt tương tự sẽ xuất hiện trên bản đồ tài chính thế giới?
Ngày 30/11 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định sẽ đưa đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ SDR hay còn gọi là “quyền rút vốn đặc biệt”. Theo quyết định này, từ ngày 1/10/2016, đồng NDT chính thức trở thành đồng tiền thứ 5 trong giỏ tiền tệ quốc tế, đồng thời là đồng tiền đầu tiên của một nước đang phát triển được gia nhập SDR. Nhưng xét về tỉ trọng, đồng NDT dự kiến chiếm 10,92%, vượt qua đồng bảng Anh (8,1%) và đồng yên Nhật (8,3%), chỉ đứng sau đồng USD của Mỹ (41,7%) và đồng euro của châu Âu (30,9%), trở thành đồng tiền lớn thứ 3 của SDR.
Rõ ràng, việc IMF để đồng NDT gia nhập SDR là một quyết định lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc. Trước tiên, nó cho thấy sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về sức ảnh hưởng kinh tế và tài chính ngày một lớn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc gia nhập SDR còn có lợi cho việc tăng cường niềm tin của thị trường đối với đồng NDT, gia tăng mức độ sử dụng đồng NDT trên phạm vi quốc tế cả trên phương diện thanh toán công lẫn chi tiêu cá nhân. Nó đồng thời cũng giúp đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Quan trọng hơn, một khi trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng NDT sẽ mang đến sự tiện lợi lớn cho người dân Trung Quốc. Bởi họ có thể mang theo đồng NDT đi khắp thế giới sử dụng mà không cần phải hoán đổi sang đồng USD hay đồng nội tệ của nước đến du lịch, học tập và đầu tư. Tổn thất bởi tỉ giá , thậm chí là hạn mức thu đổi ngoại tệ cũng biến mất.
3. Trung Quốc từ bỏ “chính sách một con” và cách giải quyết về việc cấp hộ khẩu cho “công dân đen”
Từ bỏ “chính sách một con”
Chính sách một con của Trung Quốc lần đầu tiên được áp dụng vào cuối những năm 1970 nhằm kìm hãm sự bùng nổ dân số ở đất nước. Kể từ khi thực hiện cho đến nay, chính sách một con đã dẫn đến kết quả là giảm khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc và thành công trong việc kìm hãm sự bùng nổ dân số. Tuy nhiên, chính sách này cũng vấp phải nhiều chỉ trích cho rằng nó đã gây ra một số vấn đề xã hội, đặc biệt là nguy cơ dân số già và giảm lực lượng lao động. Theo số liệu chính thức từ năm 2014, Trung Quốc đã có hơn 212 triệu người trên 60 tuổi, 137 triệu người trên 65; tương ứng với chiếm 15,5 % và 10,1 % dân số.
Chính sách này sau đó đã được nới lỏng vào năm 2013, cho phép các đôi vợ chồng, trong đó có ít nhất một người là con một, được phép sinh con thứ hai. Ngày 29/10 vừa qua, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ cho phép tất cả các cặp vợ chồng có 2 con, và từ bỏ “chính sách một con” sau 2 thập kỷ tiến hành. Theo thông cáo đưa ra sau phiên họp của Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 sự thay đổi của chính sách nhằm cân bằng sự phát triển dân số và giải quyết thách thức dân số già ở Trung Quốc.
Giải quyết vấn đề cấp hộ khẩu cho “công dân đen” và “cư dân hạng hai”
Trong cuộc họp lần thứ 19 giữa các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bàn về vấn đề cải cách ngày 9/12 vừa qua do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, chính quyền nước này đã đưa ra cam kết cải thiện tình hình cho những người không có hộ khẩu và gặp khó khăn trong việc xin cấp hộ khẩu. Trước đây, hệ thống hộ khẩu, gắn kết quyền lợi chăm sóc y tế và lương hưu với nơi con người được sinh ra đáp ứng được nhu cầu đó. Khi không có hộ khẩu, người dân sẽ không thể đăng kí tham gia học tập, kết hôn, mở một tài khoản ngân hàng hay tham gia bảo hiểm y tế.
Tân Hoa Xã cho biết, chính sách mới có thể mang lại lợi ích cho 13 triệu người thiếu hộ khẩu, trong đó phần lớn là những “công dân đen” (con thứ hai trong gia đình, được sinh ra trong thời gian Trung Quốc thực thi nghiêm ngặt chính sách một con). Ngoài ra, trẻ em mồ côi, người vô gia cư, và những người đánh mất hộ khẩu đều có thể được đăng kí.
Lợi ích từ việc cấp hộ khẩu
Với việc mang lại quyền lợi cho những “đứa trẻ đen” và những người dân nhập cư tại thành phố, Bắc Kinh hi vọng “những công dân mới này” sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Ông cho biết cuộc cải tổ này sẽ giúp người dân tự do đi lại và thành lập các doanh nghiệp trên toàn quốc. Điều này cũng sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc giám sát công dân của mình. Hơn nữa, vì hộ khẩu gắn liền với quyền được hưởng phúc lợi xã hội, động thái mới này cũng đề cập đến kế hoạch tạo ra sự tiếp cận bình đẳng hơn đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách củng cố các chương trình bảo hiểm y tế nông thôn và thành thị. Mở rộng đăng ký hộ khẩu cũng nhằm thúc đẩy tỉ lệ sinh, một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của chính phủ để giảm áp lực xã hội và giúp nền kinh tế tránh được những ảnh hưởng từ việc già hóa dân số nhanh chóng.
Nghiêm Thu