Một báo cáo mới tuyên bố Trung Quốc vẫn tiếp tục thu hoạch nội tạng tù nhân một cách có hệ thống, quy mô lớn.
Bản báo cáo - do cựu nghị sĩ Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo Ethan Gutmann - lựa chọn công khai các con số từ những bệnh viện trên khắp Trung Quốc. Nó cho thấy những gì mà họ tuyên bố là sự khác biệt lớn giữa các số liệu chính thức đối với số lượng các ca cấy ghép được thực hiện trên cả nước.
Họ nói rằng chính phủ Trung Quốc, Đảng cầm quyền, hệ thống y tế, các bác sĩ, bệnh viện đã thông đồng với nhau.
"Đảng cầm quyền nói tổng số ca cấy ghép theo luật là khoảng 10.000/năm. Nhưng chúng tôi dễ dàng thấy con số cao hơn con số chính thức của Trung Quốc khi nhìn vào 2,3 bệnh viện lớn nhất", ông Matas tuyên bố.
Báo cáo ước tính có khoảng 60.000-100.000 cơ quan được cấy ghép mỗi năm tại các bệnh viện Trung Quốc.
Theo báo cáo, khoảng cách này được hình thành từ các tử tù. Nhiều người trong số họ bị giam cầm do niềm tin tôn giáo và chính trị. Trung Quốc đã không báo cáo tổng số các vụ hành quyết của họ. Đây được coi như một bí mật.
Những phát hiện của báo cáo này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố của Bắc Kinh đó là từ năm 2015, Trung Quốc đã gần như hoàn toàn không phụ thuộc vào tạng của tù nhân nữa mà chuyển sang "hệ thống hiến tạng tình nguyện lớn nhất tại châu Á".
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 23/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc có "những quy định và điều luật chặt chẽ về vấn đề này".
"Đối với bằng chứng và báo cáo được công bố, tôi muốn nói rằng những chuyện về việc mổ lấy ép lấy nội tạng tại Trung Quốc là không có thật, vô căn cứ. Chúng không có bất cứ nền tảng thực tế nào cả", bà Oánh nói.
Ủy ban Quốc gia về Y tế và Kế hoạch hóa gia đình - cơ quan giám sát việc hiến tạng tại Trung Quốc - đã không đưa ra bình luận cho vấn đề này.
Các bệnh nhân xếp hàng tại một bệnh viện ở Trung Quốc. Có hơn 300.000 người cần được ghép tạng mỗi năm. Ảnh: Getty |
Ghép tạng bí mật
Theo báo cáo, hàng ngàn người đã bị hành quyết bí mật tại Trung Quốc và nội tạng của họ bị thu hoạch để dùng trong phẫu thuật cấy ghép.
Vậy thì những ai đã bị giết? Các tác giả của báo cáo nói rằng chủ yếu là những tộc người thiểu số, theo tôn giáo bị cầm tù, gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Kito hữu ngaamfvaf các học viên của phong trào tâm linh Pháp Luân Công.
Trong khi phần lớn hệ thống cấy ghép tại của Trung Quốc được giữ bí mật, những con số chính thức cho thấy có 2.766 tình nguyện viên tình nguyện hiến tạng vào năm 2015, thu được 7.785 cơ quan.
Những con số chính thức được đưa ra là có khoảng 10.000 ca phẫu thuật ghép tạng/năm, mâu thuẫn với báo cáo.
Các tác giả chỉ ra rằng những tuyên bố và hồ sơ công khai của các bệnh viện trên khắp Trung Quốc tuyên bố họ đã thực hiện hàng ngàn ca cấy ghép mỗi năm. Các bác sĩ có người tuyên bố thực hiện hàng ngàn ca ghép thận trong suốt sự nghiệp.
Theo thống kê chính thức, có hơn 100 bệnh viện tại Trung Quốc được phép cấy ghép nội tạng. Nhưng báo cáo khẳng định các tác giả "đã xác minh và xác nhận 712 bệnh viện đã thực hiện ghép gan và thận" và con số ca cấy ghép thực tế có thể lớn hơn hàng trăm nghìn so với báo cáo của Trung Quốc.
"Những ý định tốt"
Trong nhiều thập kỷ, các quan chức Trung Quốc kịch liệt phủ nhận việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân, nói rằng đó là "sự vu khống luẩn quẩn".
Cuối năm 2005, các quan chức nước này thừa nhận thực tế đang diễn ra và hứa sẽ thay đổi nó.
Tuy nhiên, 5 năm sau đó, Huang Jiefu, giám đốc Ủy ban Hiến tạng Trung Quốc, nói với tạp chí y học The Lancet rằng có hơn 90% các nội tạng cấy ghép được lấy từ tử tù.
Trung Quốc thực hiện các vụ tử hình nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới gộp với nhau, ít nhất là 2.400 vụ vào năm 2014, theo Death Penalty Worldwide. Các con số chính thức mà Trung Quốc đưa ra không được báo cáo.
Vào cuối năm 2014, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ chuyển sang hệ thống dựa trên tình nguyện hoàn toàn.
Tuyên bố này được chào đón nhưng với thái độ hoài nghi. Từ năm 2012 đến 2013, chỉ có khoảng 1.400 người ký vào đơn hiến tạng (trong khi có hơn 300.000 người cần ghép tạng mỗi năm).
Bảo Linh (CNN)