Việc Tập Cận Bình được nâng lên thành "lãnh đạo cốt lõi" chỉ sau 4 năm cầm quyền là diễn biến chính trị quan trọng và có ý nghĩa lớn trong tương lai của Trung Quốc. Vậy mục đích thực sự của điều này là gì
Tại phiên họp toàn thể, Đại hội đảng lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra hai sự phát triển chính trị lớn. Một là đảng đã thông qua hai văn kiện quan trọng liên quan đến kỷ luật đảng: Hướng dẫn các quy tắc chính trị trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc trong "hoàn cảnh mới", tăng cường giám sát trong đảng, và thứ hai là nhà lãnh đạo Tập Cận Bình được nâng lên thành "lãnh đạo cốt lõi". Cả hai đều là diễn biến chính trị quan trọng và có ý nghĩa lớn trong tương lai của Trung Quốc.
Hai văn kiện mới của đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tăng cường hơn nữa chiến chiến dịch chống tham nhũng, vốn cho đến nay đã đạt được nhiều thành công, nhưng vẫn còn một chặng đường dài khó khăn trước khi chính quyền đạt được giai đoạn cuối cùng của chiến dịch là: "không còn ai muốn tham nhũng nữa".
Ông Tập Cận Bình trở thành "lãnh đạo cốt lõi" chỉ sau 4 năm lên cầm quyền. Ảnh: VOA |
Theo tác giả Dingding Chen của The Diplomat, đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh rằng những nỗ lực chống tham nhũng sẽ luôn luôn diễn ra, có nghĩa là không để xuất hiện bất cứ sự tự mãn nào. Điều này một lần nữa được chứng minh bằng loạt phim tài liệu nổi tiếng được phát sóng trên truyền hình mang tên "Always on the Road" (tạm dịch: Mãi mãi trên con đường") do CCDI, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Đài truyền hình trung ương CCTV phối hợp sản xuất. Loạt phim này gồm 8 phần với nội dung là lời thú tội của 77 quan chức tham nhũng Trung Quốc đã bị buộc tội.
Trong các tập phim, 14 "con hổ" lớn đã sa lưới ngồi trước máy quay hoặc xuất hiện trên mạng để thú nhận tội trạng tham nhũng. Loạt phim này đã thu hút tới 92 triệu lượt xem. Không cần phải nói, ảnh hưởng của một loạt phim tài liệu như vậy đối với quan chức trong đảng và cộng đồng Trung Quốc là rất sâu sắc và lâu dài. Và đó chính xác là những gì mà đảng Cộng sản Trung Quốc mong đợi.
Thực tế là, Tập Cận Bình được nâng lên thành "lãnh đạo cốt lõi" không có gì đáng ngạc nhiên. Sau tất cả, những nhà lãnh đạo trước ông Tập như Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông đều được gọi là lãnh đạo cốt lõi trong thời gian đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều quan trọng không phải chức danh này có ý nghĩa gì như cách một số phương tiện truyền thông phương Tây đề cập đến. Vấn đề ở đây là một nhà lãnh đạo sẽ làm gì với chức danh này. Theo ý nghĩa này, việc đánh giá một nhà lãnh đạo cốt lõi không phải ở chức danh của họ, mà là những gì nhà lãnh đạo đó sẽ làm và sẽ thực hiện những cải cách cần thiết như thế nào cho sự phát triển bền vững của một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 quyết định trao chức danh "lãnh đạo cốt lõi" cho Tập Cận Bình. |
Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách, điều mà một số nhà bình luận và phân tích trên truyền thông phương Tây đã không đánh giá đúng mức. Vài nhà phân tích đặt quá nhiều trọng tâm vào việc cá nhân một nhà lãnh đạo nắm được bao nhiêu quyền lực và dự đoán một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ chính trị Trung Quốc dựa trên mô hình này, do đó xuất hiện lo lắng cho rằng ông Tập nắm giữ qúa nhiều quyền lực trong đảng.
Tuy nhiên, đây là một nhận thức sai lầm với nhiều lý do. Trước hết, như trong cuốn sách mới của học giả Cheng Li chỉ ra, Trung Quốc vẫn đang dưới sự lãnh đạo tập thể, dù có vẻ như thực tế Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quan trọng nhất. Và thực sự đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo phản đối việc "quá ca ngợi một nhà lãnh đạo", từ đó củng cố quan điểm cho rằng chính bản thân Tập Cận Bình muốn duy trì cơ chế lãnh đạo tập thể.
Bên cạnh đó, tình trạng "cốt lõi" rất quan trọng với cuộc cải cách ở Trung Quốc. Người ta có thể lập luận rằng nhiều cải cách hiệu quả được đề ra bởi các chính phủ Trung Quốc trước đây đã thất bại bởi vì quyền lực đã bị phân chia, vì vậy cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng phàn nàn rằng "Mệnh lệnh của trung tâm (ý chỉ Hồ Cẩm Đào) không bao giờ ra khỏi cửa Nam Trung Hải". Bây giờ cải cách Trung Quốc đã bước vào "vùng nước sâu", có nghĩa là sự đối kháng sẽ đến từ nhiều nhóm lợi ích khác nhau từ tất cả các nơi. Vào thời điểm đó, sức mạnh và quyền lực là phương tiện cần thiết để thúc đẩy những cải cách có ý nghĩa và khó khăn. Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn hiểu được điều này, do đó mới sử dụng chức danh "cốt lõi".
Trên hết, điều quan trọng là phân tích chính trị Trung Quốc từ chính phía Trung Quốc, không phải chỉ từ một quan điểm trên sách vở của phương Tây, cái đôi khi vẫn hữu ích. Có lẽ một sự kết hợp cả hai quan điểm của Trung Quốc và quan điểm của phương Tây sẽ phù hợp nhất với Trung Quốc trong tương lai.
Xem thêm video:
[mecloud]G3Vc7MtFzN[/mecloud]
Lê Huyền (The Diplomat)