Phi công điều khiển chuyển bay của VietJet Air bị dừng công tác do cho máy hạ cánh ở đầu 20 của đường băng thay vì đầu 02 như huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu.
Hãng Vietjet Air cho biết đã yêu cầu tổ bay dừng công tác, giải trình và hợp tác điều tra với Cục Hàng không Việt Nam để làm rõ nguyên nhân . Đây là vi phạm do lỗi cá nhân của tổ bay và sẽ được xử lý kịp thời, nghiêm túc nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động khai thác bay của hãng.
Lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, đã ra quyết định điều tra về sự cố và đình chỉ tổ lái của chuyến bay gồm 2 phi công người Philippines sau khi xảy ra xác nhận sự cố hạ cánh nhầm đường băng của hãng hàng không Vietjet Air hôm 16/10 tại Cam Ranh.
Theo báo cáo của cảng vụ cảng hàng không Cam Ranh, phi công điều khiển chuyến bay VJ 8856 của Vietjet đã cho tàu bay hạ cánh tại đầu 20 của đường băng thay vì đầu 02 như huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu.
"Chuyến bay hạ cánh an toàn, tuy rằng không có hoạt động bay trước và sau chuyến bay hạ cánh nhầm nhưng chúng tôi đánh giá sự cố này là hết sức nghiêm trọng, phân loại mức độ sự cố loại C, đình chỉ tổ bay để điều tra, Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhận định.
Theo ông Thanh, báo cáo ban đầu của kiểm soát viên không lưu và phi công cho thấy sau khi nhận lệnh hạ cánh xuống đường 02, phi công đã nhắc lại thông tin này chuẩn xác nhưng không hiểu tại sao vẫn cho máy bay hạ cánh xuống vị trí 20, tức là ở phía đầu đường băng ngược lại.
"Đến nay, theo tường trình của các bên thì lỗi hoàn toàn do tổ lái, tổ điều tra sự cố sẽ phỏng vấn phi công để làm rõ lý do tình huống nghe huấn lệnh đúng nhưng lại thực hiện sai, nghe lại ghi âm cuộc gọi giữa phi công và kiểm soát viên không lưu. Đây là lỗi nguy hiểm, cần nhận định đúng nguyên nhân là do lỗi tâm lý, cố ý hay do trình độ… để có biện pháp phòng ngừa", ông Thanh nói.
Nếu là lỗi kỹ thuật, phi công thực hiện không đúng quy trình như một số trường hợp hạ cánh nhầm đường băng đã từng xảy ra, tuỳ vào mức độ nghiêm trọng, tổ bay sẽ bị đình chỉ bay, bị xử phạt hành chính, phải đi huấn luyện lại và chỉ được tiếp tục bay nếu vượt qua kỳ thi kiểm tra.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không VN, 9 tháng đầu năm 2014, tổng số sự cố được báo cáo tăng 39% so với cùng kỳ năm 2013 và 19% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên mức tăng cao chủ yếu nằm ở mức E và D (sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn). Số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C) và nghiêm trọng (mức B) không tăng (7 sự cố). Một sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Úc khi tàu bay đang thực hiện cất cánh phát hiện hỏng động cơ đang được cơ quan điều tra sự cố Úc tiến hành điều tra.
Tuy số sự cố tăng, nhưng trong 9 tháng, số lượng sự cố liên quan đến thành viên tổ bay và nhân viên phục vụ mặt đất đã giảm 22% so với cùng kỳ năm 2013 (21/27 vụ).
Theo Giao thông vận tải