(Tinmoi.vn) Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang xuống dốc thảm hại. Điều này ảnh hưởng gì tới khu vực và thế giới? Cả 2 nước nên làm gì để kết thúc “vũ điệu nguy hiểm” của mình tại châu Á.
Những câu hỏi này được tác giả David M. Lampton - giáo sư và giám đốc Nghiên cứu Trung Quốc tại SAIS đưa ra trong bài viết “America and China's Dangerous Dance in Asia” (“Vũ điệu nguy hiểm” của Mỹ-Trung tại châu Á) đăng trên tạp chí The National Interest ngày 5/8.
Chúng tôi xin lược dịch những điểm quan trọng của bài viết:
Năm 2010 là năm đáng nhớ trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Kể từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, nền tảng mang tính chiến lược trong mối quan hệ của 2 nước ngày càng bị xói mòn. Những từ ngữ dùng để mô tả mối quan hệ song phương đã thay đổi. Sự xuất hiện của từ “cam kết” ngày một giảm đi, thay vào đó khái niệm “lập hàng rào”, cho tới “răn đe” và giờ thì chúng ta còn nghe thấy những từ ngữ ngoại giao cưỡng bức được sử dụng ở cả 2 nước.
Một số nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đã bác bỏ ý kiến cho rằng các chính sách khu vực của Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn. Nhưng tác giả bài viết lại không nằm trong số này. Các Chính sách khu vực của Trung Quốc hiện nay đã có sự thay đổi về chất.
Thật không may, những đặc điểm vốn đã rất nhàm trong hành vi của Trung Quốc như “cắt lát salami” hoặc “rỉa mồi” là một yếu tố của sự thật – Bắc Kinh đang cố gắng đánh cược việc lột mỏng trạng thái hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông, mà không làm kinh động đến các quốc gia khác bất cứ thời điểm nào. Tất cả những điều này không phải để nói rằng Nhật Bản hay các nước khác không đủ khôn ngoan để đối phó với Bắc Kinh. Một ví dụ gần đây nhất là việc Tokyo đặt tên cho các hòn đảo tại biển Hoa Đông.
Có một số câu hỏi nảy sinh trong tình hình hiện nay:
1. Tại sao (hoặc đến mức độ nào) Bắc Kinh đã thay đổi thành công chính sách mà trong hơn 3 thập kỷ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường sức mạnh quốc gia một cách toàn diện mà không có bất kỳ xung đột với quốc gia khác?
2. Phản ứng của Bắc Kinh với hành vi của các nước khác sẽ tới mức nào và Trung Quốc phải khiêu khích tới mức nào mới tạo ra được sự tiến bộ?
3. Tại sao Bắc Kinh gây nguy hiểm cho tính ưu việt của các mục tiêu cải cách kinh tế và nội bộ nước mình bằng việc chọc giận các quốc gia khác và thúc đẩy nguy cơ hình thành các liên minh quốc tế mạnh hơn bao giờ hết?
4. Tại sao Bắc Kinh cho phép mình liên kết với Nga, một nền kinh tế có thể xâm phạm đến các nguyên tắc có liên quan đến chủ quyền quốc gia đã tồn tại 60 năm của Trung Quốc?
5. Những bài học mà chúng ta học được từ cuộc Chiến tranh Lạnh về chiến lược, sự cản trở và ngoại giao cưỡng bức có thể áp dụng trong hoàn cảnh hiện tại trong một thế giới toàn cầu hóa khác xa là gì?
6. Mỹ có chính sách nào để thúc đẩy sự phát triển tiêu cực hay không?
7. Những phản ứng chính trị thích hợp (và hiệu quả) có sẵn cho Washington là gì? Washington và các nước khác nên tránh làm gì?
Mỹ-Trung đang có "vũ điệu nguy hiểm" tại châu Á
Tác giả bài viết cho biết mình không thể giải quyết toàn bộ những câu hỏi trên bởi mỗi câu hỏi lại cần sự nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, ông đã chỉ ra 3 cách để đi qua giai đoạn bấp bênh này:
- Đầu tiên, vấn đề chúng ta phải đối mặt tại châu Á không đơn giản là chủ nghĩa dân tộc quyết đoán của Trung Quốc mà là nhiều chủ nghĩa dân tộc mâu thuẫn, quyết đoán.
- Thứ hai, chúng ta không nên chỉ đóng khung vấn đề một cách đơn giản như “Mỹ cần đối phó với Bắc Kinh như thế nào?”. Thay vào đó, các hệ thống quốc tế và khu vực đã và đang phản ứng. Điều này gây ra những “cái giá” rất đắt với Trung Quốc. Một câu hỏi quan trọng cho Bắc Kinh đó là họ muốn chịu đựng điều này trong bao lâu và các nước khác có thể chịu được bao lâu khi mà giá phải trả ngày một tăng lên?
- Cuối cùng, như chúng ta đã thấy cách phản ứng, Washington không nên có những hành động gây thiệt hại cho tất cả mọi người, ít nhất là lợi ích của các nước đồng minh của mình trong khu vực và cũng không nên sai lầm khi xem xét các bài học từ thời Chiến tranh Lạnh trong việc phát triển các phản ứng dành cho Trung Quốc.
Châu Á là khu vực có mức độ tin tưởng giữa các quốc gia láng giềng khá thấp và những ký ức thường kéo dài. Đó là một khu vực có cả đa nguyên xã hội và chính trị. Nhiều nước tại đây đã tìm kiếm sự ủng hộ trong nước bằng cách khơi dậy khát vọng dân tộc. Điều này rất đúng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng như các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.
Kết quả là, trong khi chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc là vấn đề thì những thách thức lớn hơn đó là ngày càng có nhiều quốc gia châu Á đi theo chủ nghĩa dân tộc quyết đoán. Washington cần phải hết sức cẩn thận khi phản đối chủ nghĩa dân tộc quyết đoán của Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Washington, cách dễ dàng nhất, nhanh nhất và con đường có lợi nhất là cải thiện mối quan hệ của mình với các nước láng giềng. Về phần mình, Mỹ và các nước đồng minh cần nhận ra rằng vấn đề của châu Á không đơn giản chỉ có Trung Quốc mà còn là sự mâu thuẫn dân tộc và an ninh của nhiều quốc gia trong khu vực.
Cuối cùng, Washington cần tìm ra cách để giải quyết “chiến lược gậm nhấm” của Bắc Kinh mà không trượt vào leo thang, làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Một nền an ninh không hạn chế, giảm giá trị và môi trường kinh tế là bi kịch đối với Mỹ và khu vực và là một thảm họa đối với Trung Quốc.
Bảo Linh (Theo The National Interest)