Theo luật sư, Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp với Singapore nên có thể thu hồi tài sản của Phan Sào Nam ở nước ngoài.
Tin tức từ Tuổi Trẻ cho hay, liên đến đường dây đánh bạc nghìn tỉ qua mạng do Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến (VTC online) và Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC cầm đầu, Bộ Công an cho biết số tiền vi phạm được các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa như: đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài.
Trong đó, riêng Phan Sào Nam được xác định hưởng lợi hơn 1.800 tỉ đồng từ việc điều hành đường dây đánh bạc qua mạng. Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Phan Sào Nam đã nhận tội và khai báo cất giấu khoảng 200 tỉ đồng tiền mặt ở 2 thùng tại Quảng Ninh và hơn 300 tỉ đồng gồm vàng, USD, tiền mặt ở TP HCM. Ngoài ra, Phan Sào Nam đã gửi 3,5 triệu USD qua ngân hàng ở Singapore.
Phan Sào Nam. Ảnh LĐO |
Trao đổi với PV VOV về vấn đề có thu hồi được số tiền Phan Sào Nam gửi tại Singapore, luật sư Nguyễn Hoài Nam (Hãng luật Intercode, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Nếu có căn cứ xác minh chắc chắn nhóm đối tượng đã chuyển tiền ra nước ngoài (cụ thể là ngân hàng ở Singapore), chúng ta có đầy đủ căn cứ, khả năng để thu hồi khoản tiền này. Trường hợp này, tài sản có nguồn gốc là tài sản do phạm tội mà có. Do đó, việc xác minh, thu hồi được thực hiện theo hình thức thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự. Căn cứ Điều 31, Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng; Điều 6, Điều 7, Điều 18, Điều 22 của Hiệp định tương trợ tư pháp ASEAN; Chương 3 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; căn cứ Điều 507 BLTTHS 2015".
"Cơ quan điều tra lập hồ sơ ủy thác gửi đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp của Singapore trong đó có nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp. Trong đó, Việt Nam có quyền yêu cầu quốc gia nơi có tài sản do phạm tội mà có trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định thu hồi tài sản của Nhà nước Việt Nam.
Quốc gia có tài sản do phạm tội mà có cũng có thể tự mình tiến hành thủ tục để xác minh nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản do phạm tội mà có cho Nhà nước Việt Nam. Việc trả lại tài sản được thực hiện theo qui định tại khoản 5 Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa 8 nước ASEAN", luật sư này cho biết thêm.
Trước đó, để tiếp cận số tiền ở Quảng Ninh, "nhiều cán bộ, chiến sĩ vừa ăn bánh mỳ, vừa canh gác, chứng kiến việc kiểm đếm", nguồn tin có trách nhiệm chia sẻ với VTC.
Tại TP.HCM, 6 cảnh sát điều tra cùng hàng chục cảnh sát cơ động túc trực kiểm đếm số tài sản hàng trăm tỷ Phan Sào Nam định chuyển hóa vào bất động sản. Sau khi đếm tiền bằng máy, cán bộ điều tra phải đếm lại bằng tay, công việc diễn ra từ chiều hôm trước đến 4h30 sáng hôm sau và vận chuyển ra Hà Nội ngay trong đêm. Tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), lực lượng chức năng dùng 4 ô tô vận chuyển tiền đến nơi quản lý tang vật.
Còn bị can Nguyễn Văn Dương khai nhận được chia 800 tỷ đồng nhưng đến nay cơ quan điều tra mới thu giữ hơn 100 tỷ từ sổ tiết kiệm trong két sắt. Dương chưa tự nguyện nộp bất cứ khoản nào.
Hiện tại, số tiền 500 tỷ đồng thu được của Phan Sào Nam đang được tạm lưu giữ tại Kho bạc nhà nước tỉnh Phú Thọ. Số tang vật là vàng, USD được một ngân hàng định giá theo tỷ giá rồi chuyển thành tiền mặt. Cơ quan chức năng đã yêu cầu Nam ký nhận và bán số tang vật cho ngân hàng. Sau khi tòa tuyên án, số tiền sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước.
Hà Trang (tổng hợp)