Ông Lê Quý Thanh là kiểm sát viên dự khuyết tại phiên tòa xử bác sĩ Hoàng Công Lương. Ông Thanh chính là người được phân công kiểm sát việc khởi tố vụ án sự cố y khoa khiến 9 người chết. Buổi sáng ngày 25/5, nhiều luật sư đã "truy" trách nhiệm của vị này trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát của mình. Buổi chiều, ông Thanh đã vắng mặt tại tòa.
Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP.Hòa Bình, bà Bùi Thị Thu Hằng giữ quyền công tố, ông Lê Quý Thanh là kiểm sát viên dự khuyết tại phiên xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 2 bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc trong sự cố y khoa khiến 9 người thiệt mạng ở Hòa Bình. Ông Thanh là kiểm sát viên được phân công kiểm sát trong giai đoạn khởi tố điều tra vụ án này.
Kiểm sát viên dự khuyết vắng mặt trong chiều 25/5. |
Khi phiên tòa bước vào phần tranh tụng, nhiều luật sư đã đưa ra những quan điểm bào chữa, tranh luận nhằm bảo vệ quan điểm của mình đối với các bị cáo. Trong buổi sáng ngày 25/5, các luật sư Nguyễn Văn Chiến, Lê Văn Thiệp, Ngô Thị Thu Hằng và luật sư Trần Hồng Phúc đã có phần trình bày bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương tại tòa. Theo các luật sư trên, cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này đã có nhiều vi phạm về mặt tố tụng và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Chẳng hạn, về việc bố trí luật sư bảo vệ cho bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Chiến cho rằng: Sau khi bị khởi tố, bị can Hoàng Công Lương có yêu cầu mời luật sư bào chữa. Nhưng trong suốt thời gian đó đến lấy lời khai, cơ quan điều tra đã không bảo đảm quyền tố tụng hình sự cho bị can.
Mặc dù trước đó bác sĩ Lương đã có đơn yêu cầu mời luật sư, nhưng tại buổi lấy lời khai đã không có luật sư tham dự. Và bản cung này được dùng làm tài liệu để truy tố bác sĩ Lương ở hành vi thiếu trách nhiệm.
Cũng nói về vấn đề này, luật sư Phúc đã yêu cầu loại bỏ tài liệu này khỏi hồ sơ vụ án vì được thu thập không đúng trình tự thủ tục.
Hay như về việc lấy lời khai, câu chuyện lời khai "sinh đôi" cho thấy sự vi phạm tố tụng, khi cán bộ điều tra cho bị cáo xem bản ảnh về biên bản cuộc họp giao ban. Trong buổi lấy lời khai này, có cả đại diện VKS.
Trong phần bào chữa của mình, luật sư Thiệp cho biết, sau khi nghiên cứu các chứng cứ được thẩm tra trong hồ sơ vụ án, luật sư Thiệp nhận định các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Hòa Bình đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của BLTTHS.
Luật sư Phúc tiếp chuyện người dân sau phiên xử 25/5. |
Trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng chưa thu thập đầy đủ chứng cứ có liên quan để chứng minh tội phạm cũng như thực hiện trách nhiệm trong việc khởi tố người phạm tội, cơ quan tố tụng đã không thu thập quyết định số 568 ngày 25/5/2017 về việc Giám đốc bệnh viện phân công nhiệm vụ về việc sửa chữa hệ thống nước lọc RO, chính quyết định này không có trong bộ hồ sơ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính xác thực của vụ án theo quy định của Điều 15, Bộ luật TTHS. Cũng vì các chứng cứ không đủ cho nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ lọt tội phạm. Việc bỏ lọt tội phạm là vô cùng nghiêm trọng, nó có thể làm mất niềm tin trong nhân dân đối với hệ thống tư pháp.
Trong quá trình điều tra, qua các chứng cứ có tại phiên tòa, có dấu hiệu mớm cung với Hoàng Công Lương. Việc VKS sử dụng chứng cứ không được thu thập đầy đủ tuân theo các quy định của BLTTHS để truy tố bác sĩ Lương là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật.
Đặc biệt, trong các lời khai của ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) trong bút lục 1039 đến 1067 không có tư cách người tham gia tố tụng, không được giải thích các quyền vì không xác định được tư cách tham gia tố tụng của ông Dương. Dẫn đến việc, kết luận của VKS không phản ánh đủ sự thật khách quan.
Luật sư Ngô Thị Thu Hằng thậm chí liệt kê một loạt những vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra cũng như của VKS trong quá trình điều tra, truy tố vụ án gồm 4 vi phạm cơ bản như: Vi phạm nghiêm trọng trong nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can theo quy định của Bộ luật TTHS; Vi phạm trong hoạt động hỏi cung bị can và lấy lời khai của cơ quan điều tra; Có dấu hiệu bỏ ra ngoài các tài liệu hồ sơ vụ án; Quan điểm luận tội của vị đại diện VKS hoàn toàn trái ngược với quy định tố tụng của Bộ luật TTHS.
Luật sư Trần Hồng Phúc đặt câu hỏi về tính khách quan trong việc hỏi cung đối với Hoàng Công Lương. Luật sư cho rằng, bị cáo Lương đã bị ép cung, dụ cung, do đó yêu cầu HĐXX đề nghị cơ quan điều tra cung cấp bản ghi âm lấy lời khai đối với bị cáo Lương. Nhiều lần Luật sư Phúc đã nhìn thẳng vào vị KSV ngồi đối diện và nói "rất chia sẻ với Kiểm sát viên Hằng vì được quyền trong vụ án này". Tuy nhiên, nhiều lần luật sư Phúc chỉ đích danh ông Thanh, ngồi phía sau kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng mỗi khi đề cập đến những thiếu sót trong quá trình hỏi cung với bác sĩ Lương tại giai đoạn điều tra.
Bác sĩ Lương tin tưởng mình không có tội. |
Trước đó, trong phần tranh tụng ở phiên xét xử sáng 24/5, luật sư Nguyễn Tiến Thủy (người bào chữa cho bị cáo Sơn) tố VKS đã nhầm lẫn nội dung các bút lục trong hồ sơ vụ án và cho rằng chưa đủ căn cứ để buộc tội Sơn, đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú cho bị cáo này.
Đối đáp với luật sư Thủy, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng (đại diện VKS TP.Hòa Bình) khẳng định nội dung luận tội của VKS là dựa trên cáo trạng và diễn biến tại phiên tòa.
Luật sư cho cho rằng VKS có sự nhầm lẫn giữa quy trình kỹ thuật xử lý nước với quy trình quy chế chuyên môn. Bà Hằng đã xin lỗi vị luật sư và HĐXX bởi đại diện VKS ghi nhầm bút lục: "Bút lục 3808 tôi nêu trong luận tội thì đúng quy trình kỹ thuật lọc máu là quy chế chuyên môn, nhưng ở đây tôi áp dụng là quy trình lọc máu của bệnh viện Đa khoa Hòa Bình ban hành 24/3/2010 ở bút lục 3803 và có thể là số 3 với số 8 giống nhau nên tôi có thể nhầm lẫn".
Xuân Hòa