Cái tên Hòa Thân được cho là đã quen thuộc với nhiều khán giả đam mê phim cổ trang Trung Quốc. Ông không chỉ là cận thần nổi tiếng của hoàng đế Càn Long mà còn là quan tham số 1 nhà Thanh. Hòa Thân đúng là một quan tham, nhưng ông vẫn là người có năng lực nhất trong triều đình thời Càn Long. Ngay cả những sứ thần nước ngoài khi đến thăm cũng khen ngợi năng lực của ông.
Cái mác quan tham của Hòa Thân luôn được quan tâm nhiều nhất. Nhiều người không hiểu rõ về Hòa Thân sẽ cho rằng ông là kẻ có lòng tham không đáy. Trên thực tế, sự tham lam của ông không phải vô độ.
Có 3 loại tiền mà Hòa Thân không bao giờ tham lam và đó là lý do khiến ông ta không gặp bất ổn trong thời gian làm quan trong triều. Nó cũng bộc lộ sự tài giỏi của ông.
1. Tiền thi cử
Kể từ khi khoa thi trạng nguyên đầu tiên được thiết lập, việc tuyển chọn nhân tài luôn là phương pháp quan trọng để những người cầm quyền cai trị đất nước. Khi bánh xe lịch sử chuyển sang thời nhà Thanh, triều đình càng chú trọng đến các khoa thi.
Trong tất cả các kỳ thi được tổ chức vào thời nhà Thanh, triều đình đều cử quan đại thần quan trọng đến làm giám khảo. Trong thời Càn Long, Hòa Thân nhiều lần được bổ nhiệm chức vụ này. Ông vào triều làm quan cũng nhờ vào khoa thi, giờ lại giữ chức tổng giám khảo nên có rất nhiều kinh nghiệm.
Khi Hòa Thân làm trưởng khoa khảo thí, ông quản lý rất nghiêm ngặt, cho phép mua quan bán chức nhưng không cho phép gian lận trong khoa thi. Vì vậy, hầu như không có sự cố gian lận trong các kỳ thi trạng nguyên được tổ chức thời Càn Long.
Hơn nữa, Hòa Thân còn dùng tiền của mình để giúp đỡ một số thí sinh nghèo. Có tin đồn Hòa Thân đã làm điều này nhằm thu phục và nuôi dưỡng người tài cho riêng mình.
Trên thực tế, Hòa thân sẽ không và không cần phải làm như vậy bởi ảnh hưởng của ông trong triều đã đủ lớn. Nếu tự "nuôi quân" mà để Càn Long nghi ngờ thì Hòa Thân sẽ tự tìm phiền phức. Hơn nữa, việc thăng quan tiến chức thời nhà Thanh rất chậm, dù Hòa Thân có muốn chiêu mộ nhân tài kiểu này cũng phải đợi khoảng 10 năm, điều này rất tốn kém.
2. Tiền cứu trợ thiên tai
Ở các triều đại trước, nếu thiên tai xảy ra sẽ là mối đau đầu lớn nhất cho nhà cầm quyền, và nhà Thanh không ngoại lệ. Vào thời Càn Long, bất cứ khi nào xảy ra thiên tai thì Hòa Thân thường là quan chức xông lên tuyến đầu.
Hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cứu trợ thiên tai, Hòa Thân không dám coi đó là chuyện vặt. Lúc đầu, Hòa Thân đã giải quyết rất nhiều vấn đề thiên tai, tuy nhiên không có ghi chép chi tiết trong sử sách. Hơn nữa, mỗi lần ông xử lý việc cứu trợ thì các nạn nhân đều được tái định cư tốt, không có bạo loạn xảy ra.
Đánh giá dựa trên khả năng tài chính của triều đình thời điểm đó, rất có thể Hòa Thân đã tự bỏ tiền túi ra để cứu trợ và chi một số tiền lớn ngoài quỹ cứu trợ thiên tai của triều đình.
3. Không tham tiền những việc không làm được
Hòa Thân có một nguyên tắc là nếu không làm được việc cho người khác thì phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ của đối phương. Cho dù quá trình làm việc có phát sinh thêm chi phí, Hòa Thân cũng sẽ dùng tiền của mình bù đắp, không bao giờ đòi thêm một xu nào.
Khi làm việc, Hòa Thân cũng rất thận trọng. Cho dù công việc chắc chắn thành công, ông cũng không thu tiền trước của đối phương.
Cách giải quyết công việc của Hòa Thân được các quan lại trong triều rất ngưỡng mộ. Nhiều người sẵn sàng hỏi ý kiến ông những vấn đề lớn và tất nhiên Hòa Thân luôn giúp đỡ nhiệt tình. Điều này giúp ông tích lũy được mối quan hệ với nhiều nhân vật trong triều.
Hòa Thân là một đại quan tham trong triều, điều này không thể phủ nhận. Ông ta rất thích tiền nhưng làm gì cũng đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Trong thời kỳ ông làm quan, đất nước phát triển tốt, cả kinh tế lẫn đối ngoại.
Tuy nhiên, không lâu sau khi Càn Long băng hà, hoàng đế Gia Khánh đã tranh thủ cơ hội để thanh trừng Hòa Thân. Vì thế lực của Hòa trung đường rất lớn, nhà vua đã phải bí mật "xử lý" ông chứ không thể làm công khai.