Những câu chuyện và sự kiện lịch sử nổi tiếng của triều đại nhà Thanh thường được đưa vào các tác phẩm điện ảnh và truyền hình để thế hệ sau có thể thêm kiến thức về lịch sử. Phim cổ trang về nhà Thanh nếu không theo hướng cung đấu thì cũng làm về các quan lại tham nhũng với hình ảnh tiêu cực, được tạo hình béo mập xấu xí. Quan tham nổi tiếng nhất nhờ các bộ phim truyền hình chính là Hòa Thân. Tuy nhiên, ngoại hình thực sự của Hòa Thân ngoài đời không xấu xí, thậm chí ông còn là "mỹ nam" tiêu biểu của triều Thanh.
Trong bộ phim Bản Lĩnh Kỷ Hiểu Lam, nhân vật Hòa Thân lùn, béo và rất nham hiểm do nam diễn viên Vương Cương thủ vai. Tuy nhiên, Hòa Thân trong lịch sử kỳ thực là một mỹ nam tuấn tú, có cả văn tài lẫn quân sự, ngoại hình đẹp, được xưng tụng là "mỹ nam đẹp nhất Thanh triều".
Ngoài ra, còn có câu chuyện kỳ lạ hơn được truyền lại, nói rằng Hòa Thân giống như một "phi tần nào đó của Ung Chính" và người này đã mất vì hoàng đế Càn Long. Vì lẽ đó, Càn Long vô cùng đau buồn, áy náy nên mới trọng dụng Hòa Thân. Đối với tin đồn này, người ta suy đoán phi tần của hoàng đế nhất định dung mạo không quá xấu, dẫu không đẹp như tiên nữ thì cũng phải ưa nhìn. Hòa Thân có dung mạo như phi tần thì nhất định rất đẹp.
Bên cạnh đó, người ta còn truyền rằng Hòa Thân là một người trọng tình trọng nghĩa. Mặc dù trong phim ảnh xây dựng hình tượng một Hòa Trung đường dâm đãng, có 9 người phụ nữ nhưng trên thực tế, ông rất trân trọng người vợ đầu Phùng Thị. Khi đứa con trai út qua đời, Phùng Thị đau buồn mà đổ bệnh. Hòa Thân lo lắng đến mức tổ chức một lễ cầu nguyện lớn với hy vọng giữ được tính mạng cho vợ. Cuối cùng, Phùng Thị qua đời vì bệnh tật. Hòa Thân đã tổ chức một tang lễ hoành tráng, viết cả một bài thơ để bày tỏ niềm thương tiếc cho người vợ quá cố của mình.
Về đời tư thì sống tình cảm như vậy nhưng ai cũng biết Hòa Thân là một trong những đại quan tham lớn nhất triều đại nhà Thanh. Số tiền mà ông tham nhũng đã được lưu truyền cho đến hậu thế muôn đời.
Lúc bấy giờ, Càn Long biết về sự thối nát của Hòa Thân nhưng vẫn "mắt nhắm mắt mở" cho qua. Càn Long hiểu rằng với truyền thống đút lót lúc bấy giờ, Hòa Thân là người giàu nhất, là quan tham lớn nhất trong triều. Thậm chí, ông ta còn được mệnh danh là "nhị hoàng đế".
Phải đến khi qua đời, Càn Long mới để lại một chỉ dụ viết vỏn vẹn 3 chữ cho Hòa Thân. Lúc Gia Khánh đế chuẩn bị xử lý Hòa Thân, ông ta cứ tưởng thứ mà Càn Long để lại cho mình là một chỉ dụ cứu mạng, tương tự như kim bài miễn tử. Không ngờ, trên sắc lệnh đó chỉ viết 3 chữ "Giữ toàn thây". Điều này khiến khuôn mặt Hòa Thân ngay lập tức tái nhợt và suy sụp.
Vào năm Gia Khánh thứ 4, tức là tháng 1/1799, Hoàng đế Càn Long qua đời, Gia Khánh lệnh cho Hòa Thân lo liệu tang lễ cho phụ thân mình. Không ngờ, vào ngày 13 tháng giêng âm lịch, Gia Khánh nhanh chóng công bố 20 tội ác chết người của Hòa Thân, ra lệnh lục soát nhà cửa, tịch thu 800 triệu lạng bạc. Chính số lượng tài sản lớn như vậy khiến dân gian lưu truyền câu nói: "Khi Hòa Thân ngã xuống, Gia Khánh đã ăn no".
Nhiều năm tham ô, nhận hối lộ, Hòa Thân giống như một con sâu bướm khổng lồ kéo nhà Thanh xuống vực thẳm suy tàn. Ban đầu, Càn Long muốn sử dụng Hòa Thân để tích lũy tiền bạc, nhưng mạng lưới quan hệ rộng của Hòa Trung đường đã ăn mòn cả Đại Thanh.