Sau cuộc đảo chính quân sự thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7, có một điều rõ ràng: đây là đòn giáng khổng lồ dành cho chính quyền và tầm ảnh hưởng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng như đảng Công lý và Phát triển Hồi giáo của ông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước giới truyền thông tại thị trấn Marmaris, hôm 15/7/2016. Ảnh: Reuters |
Tờ Russia Beyond The Headlines của Nga đã có bài bình luận “Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Tại sao quân đội cố lật độ Erdogan?” để đưa ra nguyên nhân của cuộc đảo chính bất thành tại đây.
Đã 36 năm kể từ cuộc đảo chính quân sự cuối cùng tại Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra năm 1980. Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan đã khơi mào cho những cuộc nổi dậy khác, đẩy đất nước vào hỗn loạn và làm xói mòn uy tín của mình trên trường quốc tế. Tại sao quân đội lại quyết định nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ?
Thứ nhất, đây là cuộc xung đột ý thức hệ nghiêm trọng giữa quân đội - từ trước tới nay luôn được coi là người bảo đảm cho bản chất thế tục của nước Thổ Nhĩ Kỳ - với chính quyền Hồi giáo hiện nay.
Trong một thời gian dài dường như ông Erdogan (người đang theo đuổi một Chính sách Hồi giáo hóa từ từ nhưng không thể thay đổi) đã có trong tay quyền lực sau khi đàn áp được các tướng lĩnh, buộc họ phải tự từ chức để từ bỏ các nguyên tắc thế tục của Kemal Atatürk (tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ) và loại bỏ "hàng thứ năm" của lực lượng vũ trang, tiến hành "thanh trừng" các sĩ quan thông qua hàng loạt phiên tòa quy mô lớn. Hóa ra đây không hoàn toàn là việc tố tụng.
Thứ hai, từ quan điểm của nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ và một phần đáng kể giới tinh hoa nước này, tổng thống phải chịu trách nhiệm cho sự bất ổn chính trị trong nước. Xã hội đang phân hóa giống như đã từng xảy ra trong các cuộc biểu tình năm 2013. Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết không chịu lắng nghe đối thủ và đang thực hiện việc ra chỉ thị xã hội duy nhất cho các cử tri của mình, những người đại diện cho khoảng một nửa dân số.
Thứ ba, ông Erdogan có ảnh hưởng trong việc châm ngòi lại một cuộc nội chiến trong cộng đồng người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ý kiến của nhiều chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ và bản thân những người Kurd, những hành động của ông đã làm bùng nổ tình trạng thù địch và xóa sổ nhiều năm nỗ lực tạo dựng đối thoại hòa bình. Kết quả là cả nước Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng chiến tranh mặc dù vài năm trước không có lý do hay điều kiện tiên quyết nào cho chuyện này xảy ra.
Những thất bại trong chính sách ngoại giao
Thứ tư, trong chính sách ngoại giao, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hỏng mối quan hệ với tất cả các nước quan trọng trong khu vực và toàn cầu. Kết quả ngoại giao của quy tắc do ông Erdogan đặt ra đều khá ảm đạm.
Những sự kiện tại Syria đang theo một kịch bản hoàn toàn không ăn khớp với những gì mà Ankara kể ra. Tại Ai Cập, người được Erdogan bảo trợ, Mohamed Morsi đã bị lật đổ.
Mối quan hệ với EU bị hủy hoại từ quyết định công nhận tội diệt chủng người Armenia năm 1915 của Đức và sự quá khích gần như không thể chấp nhận được của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ để phản ứng lại việc này. Trong thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ không có cơ hội gia nhập EU trong tương lai gần nhưng đây lại là mục tiêu mà lãnh đạo nước này công bố trong vài thập kỷ qua.
Vấn đề người Kurd cũng đã gây ra những căng thẳng nghiêm trọng với Mỹ. Vụ bắn rơi máy bay Nga gây nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong quan hệ với Moscow - gần đây được coi như đối tác quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả là Ankara - từng tuyên bố "không có vấn đề gì với các nước láng giềng" - trên thực tế là không có bất cứ đồng minh nào trong khu vực, có lẽ ngoại trừ Azerbaijan.
Tất cả những điều trên đã khiến đối thủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đi tới hành động quyết định. Một số tướng lĩnh quân đội có kết luận rằng đã đến lúc cứu đất nước khỏi một người mà chính sách của ông ta đang phá hủy đất nước này, dẫn tới sự chia rẽ và có thể là sụp đổ.
Bảo Linh (RBTH)