Tin mới

Tiết lộ Mỹ âm mưu đảo chính, lật đổ chế độ Assad suốt nhiều năm

Thứ năm, 24/12/2015, 17:27 (GMT+7)

Nguồn tin từ giới chức và các nhà ngoại giao Mỹ, Ả Rập cho biết, Washington đã duy trì liên lạc với các quan chức cấp cao Syria trong suốt nhiều năm qua, hòng tìm cách lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.

Nguồn tin từ giới chức và các nhà ngoại giao Mỹ, Ả Rập cho biết, Washington đã duy trì liên lạc với các quan chức cấp cao Syria trong suốt nhiều năm qua, hòng tìm cách lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.

Tờ The Wall Street Journal hôm 23/12 đã đăng tải bài viết dẫn nguồn tin từ các quan chức, nhà ngoại giao Mỹ, Ả Rập trước đây và hiện tại, cho biết, "Mỹ đã tìm kiếm những kẽ hở trong chế độ Tổng thống Assad nhằm tạo ra một cuộc đảo chính quân sự. Trong khi đó, Tổng thống Syria đã nỗ lực ở nhiều thời điểm khác nhau để tiếp cận với chính quyền Mỹ và nói với họ rằng nên đoàn kết với Damascus để chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Kể từ năm 2011, Syria đã chìm trong một cuộc nội chiến tàn phá đất nước. Lực lượng quân đội chính phủ Syria phải chiến đấu chống lại nhiều phe đối lập và các nhóm chiến binh khác nhau, bao gồm cả nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) - tổ chức đã bị nhiều quốc gia, trong đó có Nga cấm cửa.

Phương tây và một số quốc gia Trung Đông đã không xem chế độ Assad là chính quyền hợp pháp ở Syria.

Một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Washington nói với tờ The Wall Street Journal rằng, Nhà Trắng đã "khuyến khích người dân Syria quay lưng với chính quyền của ông Assad".

Mỹ đã tìm kiếm những kẽ hở trong chế độ Tổng thống Assad nhằm tạo ra một cuộc đảo chính quân sự trong suốt nhiều năm. Ảnh: Sputnik

"Chính sách của Nhà Trắng năm 2011 là tìm ra những rạn nứt trong chế độ Tổng thống Assad để tạo ra quá trình chuyển đổi quyền lực ở Syria và khuyến khích người dân quay lưng với chế độ", cựu quan chức cấp cao này cho biết.

Tháng 8/2011, Tổng thống Mỹ Obama công khai kêu gọi ông Assad từ chức. Phía Washington khẳng định hòa bình cho Syria chỉ được thiết lập khi Assad từ bỏ chức tổng thống.

Tuy nhiên, thay vì thuyết phục ông Assad từ chức, các quan chức Syria chịu trách nhiệm liên lạc bí mật có thể đã hỗ trợ tính hợp pháp cho vị Tổng thống này. Chính điều này cũng là nguyên nhân gây tranh cãi giữa các cường quốc về tương lai của nhà lãnh đạo Syria, đồng thời cản trở nỗ lực quốc tế tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.

Trong suốt cuộc nội chiến, hai yếu tố cốt lõi trong chiến lược Syria của chính quyền Washington là gây áp lực chính trị và quân sự lên chế độ Assad.

"Đây là một chế độ rất dẻo dai về mặt chính trị. Họ rất thông minh. Họ luôn luôn kiểm tra những điểm yếu, kẽ hở trong chính quyền và khắc phục nó sớm nhất", Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Damascus cho biết.

Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2012, chiến lược dàn dựng một cuộc đảo chính, thay đổi chế độ ở Syria đã thất bại. Mỹ chuyển sang hỗ trợ quân nổi dậy, nhưng nỗ lực rất hời hợt.

Báo Nga cho rằng, Tổng thống Syria al-Assad luôn tìm cách tiếp cận Mỹ và thuyết phục họ ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Getty

Chính quyền Mỹ đã thông qua Nga và Iran để gửi lời cảnh báo đến ông Assad rằng không được sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô lớn, giới chức Mỹ cho biết.

Giới chức Mỹ cũng đã đàm phán trực tiếp với Syria. Thứ trưởng Ngoại giao William Burns, người nghỉ hưu năm ngoái, đã hai lần gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem để truyền tải các cảnh báo, giới chức Mỹ cho biết.

Trong hai năm tiếp theo, Washington cũng thường xuyên gửi thông điệp tới Damascus về việc tập trung các nỗ lực chống khủng bố.

Có một lý do khác cho việc trao đổi thông tin công khai giữa hai bên, đó là việc 5 công dân Mỹ vẫn mất tích hoặc bị giam giữ ở Syria. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Anne Patterson đã nói chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad ít nhất hai lần về số phận của họ.

Đến năm 2013, sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) đã buộc Mỹ không thể không đề phòng. Ông Assad cũng tìm thấy trong đó cơ hội để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực và đang bắt đầu mở rộng sang các nước phương tây.

Một liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã phát động các cuộc không kích chống lại IS từ tháng 9/2014 mà không có sự cho phép của chính quyền Syria và Liên Hợp Quốc.

Một năm sau đó, ngày 30/9/2015, Nga cũng bắt đầu chiến dịch không kích tại quốc gia Trung Đông này sau lời đề nghị từ Tổng thống Assad

Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết phác thảo về tiến trình hòa bình dành cho Syria sau cuộc đàm phán giữa 18 Bộ trưởng thuộc Nhóm Hỗ trợ Quốc tế Syria (ISSG).

Lê Huyền (Sputnik, Wall Street Journal)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: âm mưu al-Assad