Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne cho biết sẽ cần một ngân sách khẩn cấp để lấp đầy "lỗ hổng" khoảng 30 tỷ bảng (42,6 tỷ USD) một năm nếu Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu EU.
Bộ trưởng tài chính Anh Goerge Osborne. Ảnh: Guardian |
Anh chuẩn bị bước vào cuộc trưng cầu dân ý mang ý nghĩa lịch sử vào tuần tới về việc nên tiếp tục ở lại EU hay rời khỏi liên minh này. Những người phản đối việc Anh tời khỏi EU cho rằng việc này sẽ khiến thương mại và đầu tư giảm sút, đẩy nền kinh tế vào suy thoái, giảm số việc làm, khiến đồng bảng lao dốc và bất động sản sụt giá.
Những người ủng hộ Anh rời EU cho rằng các quy định của EU đang bóp nghẹt doanh nghiệp Anh, và dòng người nhập cư đang hủy hoại xã hội nước này. Vì thế, rời EU sẽ thúc đẩy nền kinh tế.
Osborne cho rằng trong trường hợp Anh rời EU, để bù đắp lại khoản hụt ngân sách 30 tỷ bảng, chính phủ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng thuế và giảm các chi tiêu công. Ông sẽ phải cân nhắc cắt một số dịch vụ y tế quốc gia, quốc phòng, giáo dục, cũng như nâng thuế thu nhập, nhiên liệu và đồ uống có cồn.
Thủ tướng Anh - David Cameron cũng ủng hộ các đánh giá của ông Osborne. Ông Cameron cho biết đây là số liệu được đưa ra bởi Viện Nghiên cứu Tài khóa và Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Quốc gia. Tuy nhiên, gần 60 thành viên trong Quốc hội Anh lại ủng hộ rời châu Âu.
Sang tuần, vào ngày 23/6 tới, Anh sẽ chính thức bỏ phiếu về việc nên rời hay ở lại EU. Cho đến giờ này, theo các cuộc khảo sát mới nhất, phe ủng hộ anh rời EU (Brexit) đang thắng thế với tỉ lệ khoảng 53% dân số ủng hộ. Việc anh ở lại hay rời khỏi EU sẽ quyết định rất nhiều đến bản đồ chính trị, kinh tế thế giới hiện tại. Một số đối tác chiến lược lớn của EU như Mỹ, Trung Quốc thì không hề mong muốn chuyện này xảy ra. Các nước đang căng thẳng với EU như Nga, các nước ở Trung Đông thì lại có thái độ ủng hộ anh rời khỏi EU dù không có phát ngôn chính thức.
Quý Vũ (Theo CNN)