Khi Anh đang trong giai đoạn đếm ngược đến thời điểm trưng cầu dân ý về việc liệu London có rời khỏi Liên minh châu Âu EU hay không, theo báo cáo về cuộc thăm dò mới nhất, tỷ lệ những người ủng hộ cho việc rời khỏi châu Âu đang dẫn trước người muốn ở lại khoảng 10%. Sự tuyệt giao giữa Anh và EU liệu có ảnh hưởng như thế nào đối với hai quốc gia không thuộc EU là Trung Quốc và Nga?
Theo báo cáo mới nhất hôm 12/6 của hãng tin BBC – Anh, số liệu thống kê mới nhất về cuộc thăm dò của Anh cho thấy, số lượng người có tư tưởng “ly khai khỏi EU” tại Anh hiện đang có những cú “lội ngược dòng” khiến người khác kinh ngạc. Trước đó, tỷ lệ người muốn thoát khỏi EU luôn trong tình trạng thấp hơn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới được công bố, tỷ lệ muốn thoát khỏi EU hiện đang đạt khoảng 55%, những người có chủ trương ở lại khối này hiện chỉ chiếm khoảng 45%.
Cuộc thăm dò lần này được tờ Independent thực hiện sau khi nhận ủy quyền của Văn phòng độc lập chuyên trách về ngân sách (ORB) của Anh. Trong bài phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ hôm 13/6, Chánh văn phòng Nội các Nhật - ông Yoshihide Suga cho biết, kết quả của việc Anh có rời khỏi Liên minh châu Âu EU hay không, có liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Nhật Bản. “Chính phủ Nhật Bản hy vọng Anh có thể tiếp tục ở lại khối Liên minh này”. Nguyện vọng của Nhật Bản hoàn toàn đồng quan điểm với Tổng thống Obama hồi tháng 4 vừa qua khi được hỏi về việc có muốn Anh rời khỏi EU hay không.
Việc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu EU không chỉ ảnh hưởng đến vận mệnh của London, mà nó còn liên quan đến tương lai của khối G7 cũng như toàn châu Âu, thậm chí còn ảnh hưởng đến hai quốc gia không thuộc các khối như Trung Quốc và Nga.
Anh tách EU, Trung Quốc ”xuống chó”
Người phụ trách hạng mục của Đông Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế và ngoại giao thuộc học viện kinh tế chính trị London LSE Ideas-Vu Khiết khi trả lời phỏng vấn đã khẳng định, “quan điểm của Bắc Kinh trong việc Anh có nên rời khỏi Liên minh hay không, Trung Quốc ủng hộ việc Anh ở lại hơn là ra đi”.
Vu Khiết đưa ra 3 nguyên nhân khiến Trung Quốc ủng hộ việc Anh nên tiếp tục ở lại EU. Đầu tiên, việc Anh rời khỏi khối Liên minh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc. Thứ hai, việc Anh rời khỏi EU sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, vì Anh luôn kêu gọi EU cho thị trường Trung Quốc một vị trí kinh tế tương đối cao và ổn định. Và cuối cùng, việc Anh tách khỏi EU chính là sự phủ định cho mối quan hệ “hoàng kim kéo dài 10 năm giữa Anh và Trung Quốc”, và việc này sẽ khiến người khác hoài nghi về khả năng phán đoán của Bắc Kinh.
Theo thông tin mới nhất của Reuters, tuy Trung Quốc không lớn giọng kêu gọi Anh tiếp tục ở lại Liên minh như các quốc gia khác trên thế giới, nhưng Bắc Kinh vẫn nuôi hy vọng rằng tỷ lệ người Anh đồng ý ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý tới đây sẽ giành thắng lợi.
Bài viết cho rằng, trong một vài năm trở lại đây, mối quan hệ song phương giữa Anh và Trung Quốc đang tiếp tục được “hâm nóng”, sự giao dịch thương mại hai chiều cũng ngày càng tăng nhanh. Trung Quốc luôn tìm cách học hỏi kinh nghiệm từ nền tài chính của Anh, trong khi đó Anh luôn hy vọng Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại Anh. Ông Yao Ling-Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đẩy mạnh việc đầu tư vào Anh là để bước một chân vào thị trường rộng lớn tại Châu Âu. Trong suốt thời gian qua, Anh luôn là cầu nối giúp Trung Quốc giao lưu với 27 quốc gia thành viên của Liên minh. Nếu Anh thật sự tách khỏi EU, tác dụng cầu nối liên kết này sẽ phần nào chịu hạn chế.
Bài viết cũng chỉ ra rằng, Bắc Kinh cũng lo lắng rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến khối Liên minh hùng mạnh này mất đi sức mạnh vốn có của mình, từ đó Trung Quốc cũng sẽ mất đi địa vị kinh tế. Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc tại Bắc Kinh đưa ra nhận định rằng, nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu EU, Trung Quốc sẽ mất đi một người ủng hộ tích cực quan trọng trong việc tự do thương mại. Ông này cũng khẳng định, Trung Quốc “không vui” với một châu Âu bị điều hành bởi Pháp hay Đức. Quan chức ngoại giao cho biết, Bắc Kinh hiện đang coi EU là lực lượng chủ yếu và đặc biệt quan trọng để “cân bằng” so với Mỹ.
Anh tách EU, Trung Quốc ”xuống chó”. |
Một bài viết có tiêu đề “Việc Anh rời khỏi EU có khiến mối quan hệ song phương đặc biệt giữa Anh và Trung Quốc chấm dứt hay không?” (Could Brexit bring the end of the new Sino-British “special relationship”?)của Viện nghiên cứu Brookings Institution của Mỹ hôm 17/3 vừa qua đã chỉ ra rằng, nếu kết quả cuối cùng trong cuộc trưng cầu ý dân là Anh rời khỏi EU, sự coi trọng mối quan hệ “hoàng kim” này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phản tác dụng, làm cho quan hệ đối tác giữa hai nước lu mờ.
Trước đêm được gọi là “thời kỳ hoàng kim” của Anh, các cấp lãnh đạo Trung Quốc đang vô cùng tự tin trong quyết định tiếp tục đẩy mạnh phát triển mối quan hệ song phương với Anh. Tuy nhiên, Anh-cầu nối giữa Trung Quốc và EU hiện nay đã không còn chắc chắn nữa.
Ngoài ra, Châu Âu cũng là nơi dừng chân của những công trình “vĩ đại” của Trung Quốc, nhưng một khi EU bắt đầu bất ổn, những hạng mục công trình “hoành tráng” này cũng sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng.
Anh rời EU sẽ là món quà lớn giành cho Tổng thống Putin
Sau khi xảy ra xung đột với Ukraine về vụ bán đảo Crimea, Nga đã “quyết đấu” với EU. Hai bên đã đồng thời áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt. Hiện nay, Nga đang chịu những “tổn thất tận xương tủy” vì những lệnh trừng phạt này. Việc Anh rời khỏi EU có thể sẽ khiến khối này yếu đi, và đây cũng chính là điều mà Nga muốn chứng kiến trong thời điểm này.
Trước đó, Ngoại trưởng Anh-ông Philip Hammond cho rằng, hiện nay Nga chính là quốc gia duy nhất trên thế giới ủng hộ việc Anh tách khỏi EU. Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, chính sai lầm này của Nga khiến cho Anh hoài nghi về việc liệu đây có phải thời điểm thích hợp để rời khỏi EU hay không.
Anh rời EU sẽ là món quà lớn giành cho Tổng thống Putin. |
Vivien Pertusot-nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Pháp có trụ sở tại Brussel-Bỉ cũng từng đưa ra nhận định, việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến Liên minh châu Âu thiếu đi một “tay chơi” trong sân chơi hạt nhân toàn cầu và hình tượng khối Liên minh này trên vũ đài quốc tế cũng sẽ chịu những thương tổn nặng nề.
Vivien Pertusot nói rằng, châu Âu hiện đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng người di cư cũng như mối hiểm họa từ các chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng lớn mạnh, nguy hiểm nhất từ sau Thế chiến thứ 2. Thời điểm mà Anh rời khỏi EU cũng không thể khiến tình hình tồi tệ thêm được nữa. Song song với điều này, xung đột với Ukraine đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa Nga và liên minh, nếu khi đó nội bộ Liên minh lục đục, chỉ e rằng, Nga sẽ chớp lấy thời cơ và vùng lên.
Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách Châu Âu - ông Janis Emmanouilidis cũng cho rằng, đứng trên góc độ của Liên minh châu Âu mà nói, việc Anh tách khỏi EU là một tin chẳng lành.
Việc khối Liên minh EU lần đầu bị thu hẹp trong lịch sử sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hình tượng hùng mạnh của nó. Thông điệp mà việc này mang lại chính là, EU hiện đang dần dần, tiếp tục có dấu hiệu đi xuống, và điểm yếu này sẽ ngày càng bị nhiều quốc gia lợi dụng nhằm gia tăng sức ép.
Trong một bài báo hôm 13/5 vừa qua của tờ The Guardian-Anh, việc Anh tách khỏi EU sẽ là một món quà lớn giành tặng Tổng thống Nga Putin. Một Liên minh châu Âu không có Anh chính là điều mà ông Putin mong muốn. Một cơ quan bị thiếu hụt sẽ khiến sức mạnh của cơ quan này suy yếu, từ đó sẽ không có sức phản kháng lại những đòn tấn công tại biên giới giữa châu Âu và Nga.
Nghiêm Thu (Duowei)