Chiều ngày 9/12, thông tin nghệ sĩ hài Chí Tài qua đời khiến tất cả vô cùng bàng hoàng và đau xót. Người thân của danh hài Chí Tài xác nhận ông đã qua đời vào sáng cùng ngày sau khi bị đột quỵ.
Chí Tài ra đi để lại sự ngỡ ngàng và bàng hoàng quá lớn cho người hâm mộ. Nhìn lại fanpage của cố nghệ sĩ, nhiều người càng đau đớn hơn khi chỉ trước đó 3 ngày, nam nghệ sĩ còn tham gia thực hiện thử thách "Đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt" để kiểm tra nguy cơ đột quỵ.
Ngay sau đó, bài test đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt được dân tình làm theo rất nhiều. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng bài test này là thước đo chuẩn xác để xác định nguy cơ đột quỵ của người thực hiện.
Sau khi xem đoạn clip này, chia sẻ trên Pháp luật & Bạn đọc, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết ông rất bất ngờ.
Theo ông, nghiên cứu này chỉ được làm trên một nhóm dân số lớn tuổi ở Nhật Bản có kèm theo nhiều bệnh nền. Nhưng không được đánh giá khả năng này trước đó. PGS Thắng cho rằng cần thiết phải kiểm định lại trên các nhóm dân số khác ngoài Nhật Bản (như Việt Nam…) hoặc trên các lứa tuổi khác trẻ hơn với cỡ mẫu lớn trước khi ra khuyến cáo một cách rộng rãi trong cộng đồng và xem như là một yếu tố nguy cơ đột quỵ mới.
Chung nhận định với PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, qua Zingnews, bác sĩ Hoàng Văn Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết ông chưa thấy khuyến cáo nào trong y văn áp dụng bài kiểm tra này trong tiên đoán nguy cơ đột quỵ.
Bác sĩ Dũng cho biết nghiên cứu gốc được đăng trên tạp chí AHA của nhóm tác giả Nhật Bản chỉ là mô tả cắt ngang nên giá trị không cao, không thể kết luận chắc chắn.
Bác sĩ Dũng cho rằng cần có nghiên cứu đoàn hệ quy mô lớn hơn, nhiều trung tâm thì mới có bằng chứng mạnh để đưa vào khuyến cáo.
"Các bác sĩ khi đọc những nghiên cứu như thế này chỉ để có thêm ý tưởng nghiên cứu chứ không phải dựa vào kết quả để khuyến cáo cho bệnh nhân hoặc cộng đồng. Đây chỉ nghiên cứu cắt ngang, cỡ mẫu không phải là quá lớn, chỉ đại diện cho quần thể nhỏ", bác sĩ Dũng nói thêm.