Sau nhiều ngày hội tụ ở phía bắc vịnh Bengal, bão Fani cuối cùng cũng đổ bộ vào bờ biển bang Odisha vào khoảng 8h sáng ngày 3/5 (giờ địa phương), Reuters dẫn nguồn Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD).
Ấn Độ đã sơ tán hơn 1 triệu dân khỏi các khu vực dễ bị tổn thương nhất dọc bờ biển trong vòng 24 giờ qua, Cục trưởng Naveen Patnaik cho biết trên Twitter.
Đi sâu vào đất liền gần 60km, gió lớn làm bật gốc cây, đổ cột điện tại thủ phủ Bhubaneshwar. Các nhà chức trách tại đây đã ra lệnh đóng cửa sân bay. Các trường học tại Odisha cũng tạm ngừng hoạt động.
Hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được triển khai tới bang này. Các bác sĩ, nhân viên y tế được yêu cầu hoãn nghỉ phép cho tới ngày 15/5.
Bang Tây Bengal lân cận cũng quyết định đóng cửa một sân bay tại Kolkata, thủ phủ bang.
Mùa báo của Ấn Độ có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 khi những cơn bão lớn đổ bộ vào các thành phố ven biển và gây ra thiệt hại về người và của ở cả Ấn Độ lẫn Bangladesh.
Những tiến bộ công nghệ đã giúp các nhà khí tượng dự đoán được thời tiết. Các nhà chức trách cũng làm công tác chuẩn bị đón bão tốt hơn, giảm thiểu thương vong.
Năm 1999, một siêu bão đổ bộ vào bờ biển Odisha trong 30 giờ khiến 10.000 người thiệt mạng. Năm 2013, gần một triệu người di tản để tránh bão khiến hàng nghìn sinh mạng được bảo toàn.
Những cơn lốc xoáy thường nhanh chóng suy yếu sau khi chúng di chuyển vào đất liền. Thủ tướng Narendra Modi đã yêu cầu các quan chức giữ liên lạc với các bang có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão Fani.