Ngày 2/5, bão nhiệt đới Fani có sức gió 190 km/h, giật 201 km/h, mạnh tương đương một cơn bão cấp 3 theo thang bão Saffir-Simpson. Theo dự kiến, bão Fani sẽ đổ bộ vào bang Odisha vào chiều ngày 3/5.
Bão Fani sẽ đổ bộ vào bang Odisha vào chiều 3/5. Ảnh: CNN
Bão Fani được xếp vào loại "bão lốc cực kỳ nghiêm trọng" ở Ấn Độ, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Hải quân nước này đã triển khai tàu và máy bay trực thăng phục vụ hoạt động cứu hộ, cứu trợ. Các đơn vị Không quân và Lục quân cũng trong tình trạng sẵn sàng tại các bang Odisha, Tây Bengal và Andhra Pradesh.
Khoảng 900 chỗ trú bão đã được thiết lập khắp Odisha để cho dân di tản. Các trường học trên toàn bang đã cho học sinh nghỉ vào hai ngày 2 và 3/5. Lực lượng chức năng đã chia nhóm đến từng nhà để cảnh báo người dân.
"Họ được nhắc phải mang theo những gì nếu di tản và các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện nếu ở lại", Ameya Patnaik, trợ lý chỉ huy Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia (NDRF) tại Odisha cho biết.
Bang Andhra lân cận cũng bắt đầu cho dân di tản. Người dân ở Tây Bengal cũng được thông báo sẵn sàng rời đi. Ngư dân được cảnh báo không mạo hiểm ra biển do điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Fani, hiện vẫn cách bờ biển Ấn Độ khoảng 270 km, đã mạnh lên nhanh chóng vào thứ hai và thứ ba, trở thành cơn bão mạnh nhất di chuyển qua vịnh Bengal vào đầu năm nay kể từ sau bão Nargis năm 2008.
Bão Nargis tiếp tục tấn công Myanmar với sức gió hơn 200 km/h, gây lũ lụt khủng khiếp khiến hơn 100.000 dân thường thiệt mạng.
Theo dự báo, Fani sẽ gây bão lớn và thiệt hại đáng kể gần vị trí đổ bộ. Lũ lụt trong đất liền cũng là một mối đe dọa lớn.
Các khu vực ở miền đông Ấn Độ và Bangladesh có thể hứng chịu những trận mưa từ 150-300mm. Khi bão Fani tiếp cận Ấn Độ, nó sẽ di chuyển gần như song song với bờ biển. Việc bão đi chếch về phía đông hoặc phía tây sẽ tác động đáng kể đến thời gian cũng như cường độ đổ bộ. Nếu bão đi chếch về phía đông thì sẽ đổ bộ xa hơn về phía bắc Ấn Độ, có thể đi vào Bangladesh. Một khi điều này xảy ra, bão sẽ suy yếu do di chuyển qua vùng biển lạnh.