20 năm qua, Venezuela do đảng PSUV xã hội chủ nghĩa lãnh đạo. Từ năm 1999 đến 2013, ông Hugo Chávez là tổng thống đến khi qua đời. Sau đó, ông Nicolás Maduro đánh bại ứng viên phe đối lập trong các cuộc bầu cử và lên kế nhiệm cố tổng thống.
Trong thời gian nắm quyền, đảng PSUV đã kiểm soát nhiều tổ chức quan trọng như phần lớn các cơ quan tư pháp, hội đồng bầu cử và tòa án tối cao.
PSUV vẫn được rất nhiều người ủng hộ. Ảnh: EPA
Nhưng nhiều người Venezuela lại ủng hộ ông Guaidó, thậm chí một số thành viên của lực lượng vũ trang cũng đã thay lòng đổi dạ. Ảnh: Reuters
Khi các đảng đối lập chiếm đa số trong cơ quan lập pháp, Quốc hội, Tổng thống Maduro đã tạo ra một cơ quan đối thủ, bao gồm những người ủng hộ chính phủ, có quyền lực thay thế quốc hội.
Trong thời gian ông Maduro tại vị, nền kinh tế Venezuela sụp đổ, tình trạng thiếu lương thực, thuốc men trở nên phổ biến.
Vào tháng 5/2018, ông Maduro đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai mặc dù cuộc bầu cử này bị lên án rộng rãi là gian lận. Ông tái tuyên thệ vào ngày 10/1/2019.
Trước viễn cảnh 6 năm dưới chính quyền Maduro nữa, cộng thêm nền kinh tế rơi tự do, người đứng đầu Quốc hội, Juan Guaidó tuyên bố mình là tổng thống lâm thời vào ngày 23/1.
Ông Guaidó lập luận rằng Maduro là "một kẻ cướp ngôi". Do đó, vị trí tổng thống bị bỏ trống. Trong trường hợp này, hiến pháp kêu gọi người đứng đầu Quốc hội lên thay thế.
Mỹ và hơn 50 quốc gia khác công nhận ông Guaidó là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela nhưng các đồng minh chính của ông Maduro là Nga và Trung Quốc vẫn giữ vững quan điểm.
Hai bên rơi vào một cuộc đối đầu kể từ tháng 1/2019. Ông Guaidó cố gắng gây ảnh hưởng tới quân đội, lực lượng chủ chốt của đất nước để khiến họ thay đổi lòng trung thành.
Ngày 30/4, ông kêu gọi lực lượng an ninh cùng tham gia "giai đoạn cuối" để truất quyền của ông Maduro. Chính phủ đã gọi động thái này là "một cuộc đảo chính toan tính".