Suellen de Souza không thể chịu đựng được nữa. Sau 6 tháng phòng ngừa, điều dưỡng viên người Brazil này quyết định rằng ngày 6/9 này sẽ là ngày đầu tiên cô ra bãi biển kể từ khi đại dịch bắt đầu. "Tuần này trời rất nóng... thực sự là tôi muốn tới bãi biển", cô gái 21 tuổi chia sẻ. Về lý thuyết thì những bãi tắm nắng vẫn đóng cửa nhưng cả người dân lẫn chính quyền đều không tuân thủ nghiêm ngặt.
Giữa cái nắng như thiêu như đốt, Suellen gặp khó khăn trong việc tìm một chỗ trống trên cát bởi có hàng nghìn người đang chen chân tại bãi biển nổi tiếng này. Hàng trăm chiếc dù rải rác và các gia đình đang nằm tắm nắng. Những người đi biển tập trung gần nhau nhưng ít ai đeo khẩu trang.
Khi đại dịch Covid-19 tại đây đang có dấu hiệu hạ nhiệt, người dân Brazil đã kiệt sức với các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội. Họ ngày càng bớt đề phòng hơn, đổ xô đến các bãi biển như thể đại dịch đã kết thúc.
Tổng thống Jair Bolsonario kêu gọi họ làm vậy mặc dù điều này vi phạm những khuyến nghị của các chuyên gia y tế. Ông Bolsonario đã chống lại nhiều biện pháp phong tỏa và thúc ép quay trở lại cuộc sống bình thường ngay từ đầu. Ông gọi virus corona là "bệnh cúm nhẹ".
Tại Rio, các chuyên gia y tế vẫn khuyên người dân phải cách ly, đặc biệt là đối với những người như Souza, một nhân viên y tế từng làm việc tại một bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân Covid-19. "Virus corona đang được kiểm soát nhiều hơn một chút, điều đó giúp tôi an toàn khi ra ngoài", Souza nói.
Kịch bản tương tự đang diễn ra ở Sao Paulo, bang chịu ảnh hưởng nặng nhất của Brazil với hơn 855.000 ca Covid-19 và hơn 31.000 trường hợp tử vong. Hàng nghìn người dân đã tranh thủ ngày cuối tuần để ra biển.
"Nếu bạn ở trong nhà lâu, bạn sẽ phát điên mất. Tôi đã như vậy. Ngay khi biết bãi biển mở cửa, tôi đã quyết định ra ngoài", Josy Santos, một giáo viên 26 tuổi đã dành cả ngày tại Guarujá, một khu nghỉ mát ven biển cách Sao Paulo khoảng một giờ chia sẻ.
Với hơn 4,1 triệu ca Covid-19 được xác nhận và hơn 126.000 ca tử vong, Brazil hiện có tổng số ca nhiễm cao thứ ba trên toàn thế giới, sau Mỹ và Ấn Độ. Trong những tuần gần đây, quốc gia lớn nhất Mỹ Latin này bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm mới giảm dần. Tuy nhiên, với mức trung bình 820 ca tử vong mỗi ngày, các chuyên gia y tế vẫn cho đây là con số cao. Các chuyên gia cảnh báo nếu người dân Brazil lơ là, họ sẽ phải chứng kiến những gì đã xảy ra ở châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha, nơi làn sóng thứ hai quay lại.