Mở đầu cuộc đối thoại song phương Trung-Mỹ bên lề Đối thoại Shangri La, đại diện hai nước đã nêu lập trường khác biệt của mình về vấn đề tranh chấp tại khu vực Biển Đông trong thời gian qua.
Hôm qua 6/6, Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 8 đã được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc. Đại diện phía Trung Quốc gồm có phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew phía Mỹ đồng chủ trì hội nghị.
Theo dự kiến, cuộc đối thoại trên kéo dài hai ngày với nội dung xoay quanh các vấn đề liên quan đến an ninh, Chính sách ngoại giao cũng như kinh tế. Tuy nhiên, khi vừa bắt đầu, vấn đề Biển Đông đã làm nóng Đối thoại song phương khi hai bên liên tục đưa ra quan điểm riêng của mình.
Phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì nhấn mạnh vấn đề Biển Đông chỉ nên được giải quyết giữa các quốc gia có liên quan. Đáp lại quan điểm này của phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, tranh chấp Biển Đông không nên được giải quyết bằng hành động đơn phương mà cần phải thông qua luật pháp, ngoại giao và đàm phán. Ông Kerry phát biểu: "Washington hiện đang tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp tại Biển Đông. Chúng tôi cũng phản đối bất cứ quốc gia nào quyết đeo đuổi tuyên bố chủ quyền bằng các hành động đơn phương".
Phái đoàn Trung Quốc (phải) và Mỹ tại Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung ở Bắc Kinh ngày 6/6. Ảnh: REUTERS |
Tại buổi khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Washington cần "tin tưởng" Bắc Kinh trong thời gian tìm kiếm giải pháp làm giảm căng thẳng xung quanh tranh chấp Biển Đông. Ông Tập cũng kêu gọi hai quốc gia cần tăng cường giao lưu liên lạc và hợp tác về các vấn đề tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. "Thái Bình Dương là khu vực vô cùng rộng lớn, và đây là nơi để hợp tác chứ không phải nơi để cạnh tranh".
Cũng trong buổi đối thoại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về chính sách công nghiệp của nước này. Ông này cũng bày tỏ quan ngại về đạo luật quy định hoạt động các tổ chức phi chính phủ NGO vừa được Bắc Kinh thông qua. Theo ông Lew, "cung vượt cầu" cũng như đạo luật này có thể gây cản trở cho thị trường thế giới cũng như tiến trình phát triển kinh tế của chính Trung Quốc. Washington kêu gọi Bắc Kinh thực thi các chính sách nhằm giảm sản lượng đối với các ngành công nghiệp dư thừa như thép và nhôm.
Trong một diễn biến có liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã lên tiếng kêu gọi liên minh châu Âu EU phối hợp tuần tra hải quân tại khu vực này.
Nghiêm Thu