(Tinmoi.vn) Trước những chất vấn cứng rắn, sắc sảo của các đại biểu quốc tế tại phiên thảo luận Đối thoại Shangri-La hôm 1/6, đại diện đến từ Trung Quốc Vương Quán Trung chỉ biết dùng chiêu trốn tránh và câu giờ, không thể đưa ra những giải thích, câu trả lời xác đáng.
Người dẫn đầu đoàn cán bộ quốc phòng, quốc hội và học giả của Trung Quốc dự Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-La, SLD) lần thứ 13 tại Singapore là Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Vương Quán Trung.
Trong phiên thảo luận cuối cùng của chương trình 3 ngày Đối thoại Shangri-La, ông Vương đã có bài phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể.
Dành đến 1/3 thời gian phát biểu để phản pháo, công kích những phát ngôn trước đó của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel mà ông này gọi là “khiêu khích” và “chĩa vào Trung Quốc”.
Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, ông Vương thay vì nên đưa ra những dẫn chứng cụ thể nhằm bác bỏ một cách thuyết phục các chỉ trích trên, thì lại lựa chọn cách phủ nhận suông và quay lại công kích bằng những lời lẽ thiếu hẳn “tầm nhìn cường quốc”.
Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận cuối cùng Đối thoại Shangri-La 2014
Phần còn lại của bài phát biểu là những lời hoa mỹ, sáo rỗng về một Trung Quốc đang "trỗi dậy hòa bình", tuân thủ nguyên tắc "cùng thắng lợi" (win - win), “hữu hảo” với láng giềng, "tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực". Những phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cũng gây bức xúc không ít cho các đại biểu tham dự bởi nó hoàn toàn trái ngược với những gì thực tế diễn ra mà Trung Quốc đang tiến hành.
Vương Quán Trung cũng không quên "lớn tiếng" giáo huấn về "thuyết" công lý, bình đẳng giữa các quốc gia, đối thoại, hợp tác thân thiện và xây dựng theo cách riêng của Trung Quốc.
Nhưng những lời lẽ “tốt đẹp” của ông Vương đã không thuyết phục được 400 đại biểu là học giả, nhà ngoại giao, quân sự đến từ hơn 30 quốc gia. Các đại biểu đã yêu cầu ông Vương giải thích về tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò, giải thích hành động khiêu khích tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đơn phương lập vùng nhận diện phòng không tại biển Hoa Đông và cắt đứt đối thoại cấp cao với Nhật.
Đối với vấn đề Biển Đông và quan hệ ASEAN - Trung Quốc, các đại biểu yêu cầu ông Vương chứng minh cáo buộc của Bắc Kinh rằng Việt Nam “gây hấn và uy hiếp” giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), yêu cầu ông giải thích việc Trung Quốc không chấp nhận Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS 1982) mà chính nước này đã phê chuẩn, không chấp nhận ra tòa trọng tài để giải quyết các tranh chấp, hay né tránh việc đi đến Bộ quy tắc ứng xử biển Đông... Thậm chí, có đại biểu còn đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc không có đồng minh.
Và cũng như "truyền thống" của các đại biểu đến từ Bắc Kinh, ông Vương “chỉ chọn trả lời 1 hay 2 câu” với lý do thời gian hạn hẹp. Về đường lưỡi bò và UNCLOS, ông tiếp tục đưa ra những căn cứ mơ hồ, vô nghĩa để thuyết phục rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 2.000 năm trước và UNCLOS chỉ có hiệu lực từ năm 1994 nên “không áp dụng được” đối với đường lưỡi bò.
Cách trả lời của ông Vương hoàn toàn không thuyết phục được các đại biểu.
Báo Thanh niên dẫn lời bà Bonnie Glaser, Chủ tịch Ban nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington (Mỹ), cho biết: “Tôi không hiểu vì lý do gì ông ấy không trả lời câu hỏi của tôi. Còn câu trả lời về đường 9 đoạn ư? Ông ấy có trả lời gì đâu! Tôi tin là các lãnh đạo Trung Quốc không biết câu trả lời về đường 9 đoạn, và họ cũng chẳng muốn trả lời trước thế giới. Điều đó tạo ra một khoảng trống cho sự nghi ngờ, mất lòng tin”.
Yên Yên