Cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn ở phía tây thành phố Nara vào ngày 8/7 và được đưa đến bệnh viện nhưng đã qua đời vì mất nhiều máu. Cảnh sát đã bắt giữ kẻ tấn công, một cựu quân nhân của lực lượng hải quân Nhật Bản tại hiện trường. Ngoài khẩu súng tự chế tịch thu tại hiện trường, trong căn hộ của người này còn có nhiều khẩu súng khác.
Theo cảnh sát, kẻ tấn công tên Tetsuya Yamagami khai rằng anh ta tin rằng ông Abe có liên quan đến một tổ chức tôn giáo. Chính tổ chức này khiến mẹ hung thủ bị ám ảnh và gia đình anh ta gặp rắc rối về tài chính.
Ngày 9/7, một chiếc xe tang đen chở thi thể ông Abe đã về đến khu dân cư cao cấp Shibuya, Tokyo. Rất nhiều người đã đến tiễn đưa cựu thủ tướng, trong đó có các quan chức cấp cao nhất của đảng.
Cảnh sát trưởng Nara Tomoaki Onizuka cho biết vụ ám sát Abe là "hối tiếc lớn nhất" của ông trong 27 năm sự nghiệp. "Tôi không thể phủ nhận là có vấn đề với an ninh của chúng tôi. Cho dù đó là việc thiết lập, phản ứng khẩn cấp hay khả năng của từng cá nhân, chúng tôi vẫn phải điều tra. Nhìn chung, đã có vấn đề và chúng tôi sẽ xem xét từ mọi góc độ", ông Onizuka nói.
Vụ ám sát ông Abe trước cuộc bầu cử quốc hội ngày 10/7 đã khiến cả nước Nhật chấn động. Nó cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu an ninh cho cựu thủ tướng có đầy đủ hay không. Một số nhà quan sát khi xem video về vụ tấn công đã nhận thấy sự thiếu chú ý của lực lượng vệ sĩ đối với không gian mở phía sau khi ông Abe đang phát biểu.
Cựu điều tra viên cảnh sát tỉnh Kyoto, Fumikazu Higuchi cho biết đoạn video cho thấy an ninh tại sự kiện rất mỏng, không đủ cho một cựu thủ tướng. "Cần phải điều tra lý do tại sao an ninh lại cho phép Yamagami tự do di chuyển và đi sau lưng ông Abe", Higuchi nói trong chương trình trò chuyện trên Nippon TV.
Các chuyên gia cũng cho biết Abe dễ bị tổn thương hơn khi đứng phát biểu trên mặt đất chứ không phải trên một chiếc xe vận động. Thông thường các chính trị gia sẽ đứng trên xe khi đi vận động nhưng do chuyến thăm của ông Abe được sắp xếp vội vàng nên có lẽ họ đã không kịp chuẩn bị một chiếc xe như vậy.
Mitsuru Fukuda, giáo sư quản lý khủng hoảng tại Đại học Nihon cho biết: "Có vẻ như cảnh sát chủ yếu tập trung vào phía trước, ít chú ý đến phía sau ông Abe và không ai ngăn được nghi phạm tiếp cận ông ấy. Rõ ràng là có vấn đề".
Theo ông Fukuda, các chiến dịch tranh cử tạo cơ hội cho cử tri và chính trị gia tương tác bởi "chủ nghĩa khủng bố chính trị" cực kỳ hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản thời hậu chiến. Nhưng vụ ám sát ông Abe có thể khiến an ninh tại các sự kiện đông người sau này được siết chặt hơn.
Trong một cuộc tranh luận tại quốc hội năm 2015, ông Abe đã chống lại đề xuất tăng cường an ninh cho thủ tướng một nhà lập pháp đối lập. Khi ấy, cựu thủ tướng nhấn mạnh "Nhật Bản là một quốc gia an toàn".
Trong các video lan truyền trên MXH, người ta thấy Yamagami, 41 tuổi đứng sau ông Abe chỉ vài mét trên con phố đông đúc và liên tục liếc nhìn xung quanh. Vài phút sau khi ông Abe đứng trên bục và bắt đầu phát biểu, Yamagami lấy súng ra khỏi túi, đi về phía cựu thủ tướng và bắn phát súng đầu tiên, tạo ra một đám khói. Tuy nhiên viên đạn dường như đã đi chệch.
Khi ông Abe quay lại xem tiếng ồn phát ra từ đâu, viên đạn thứ hai được bắn ra. Lần này, viên đạn dường như trúng vào cánh tay trái của ông Abe, vượt qua chiếc cặp chống đạn do một nhân viên bảo vệ đứng sau nâng lên.
Ông Abe ngã xuống đất, cánh tay trái co vào như muốn che ngực. Những người tổ chức chiến dịch dùng loa hô hào nhân viên y tế sơ cứu cho cựu thủ tướng. Thời điểm ấy, ông đã ngừng tim phổi và được trực thăng đưa tới bệnh viện.
Ngày 9/7, cảnh sát tuyên bố kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy một viên đạn găm vào cánh tay trái của ông Abe làm rách động mạch dưới cả 2 xương quai xanh, gây mất máu quá nhiều dẫn đến tử vong.
Theo báo Asahi, Yamagami từng là nhân viên hợp đồng vận hành xe nâng tại một nhà kho ở Kyoto. Người này được mô tả là ít nói, không hòa đồng với đồng nghiệp. Một hàng xóm cạnh căn hộ của anh ta nói chưa từng gặp Yamagami mặc dù có nghe thấy tiếng cưa nhiều lần vào đêm muộn trong thời gian qua.
Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với luật súng đạn nghiêm ngặt. Với dân số 125 triệu người, họ chỉ có 10 vụ án hình sự liên quan đến súng vào năm 2021, trong đso có 8 vụ liên quan đến băng đảng.
Dù đã mãn nhiệm, ông Shinzo Abe vẫn có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân chủ TỰ do cầm quyền và đứng đầu phe lớn nhất của đảng này. Nhưng quan điểm cực đoan của chủ nghĩa dân tộc khiến ông trở thành một nhân vật gây chia rẽ đối với nhiều người.
Hai năm trước, ông Abe từ chức do tái phát bệnh viêm loét đại tràng. Khi ấy, ông tỏ ra nuối tiếc vì phải từ bỏ nhiều mục tiêu của mình, đặc biệt là không giải quyết được vấn đề người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc nhiều năm trước, tranh chấp lãnh thổ với Nga và việc sửa đổi hiến pháp từ bỏ chiến tranh của Nhật Bản.
(Theo Miamiherald)
>> Xem thêm: Tiết lộ về 'hàng nóng' nghi phạm dùng ám sát ông Shinzo Abe