Quốc hội Campuchia sẽ đề nghị quan chức ASEAN loại bỏ đoạn đề cập đến đến tranh chấp Biển Đông trong tuyên bố chung mà ASEAN dự kiến đưa ra vào cuối cuộc họp tháng 9 tại Vientiane, Lào.
Nghị sĩ đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) Cheam Yeap hôm 23/8 xác nhận, Quốc hội Campuchia sẽ yêu cầu người đứng đầu Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) bỏ một đoạn đề cập đến tranh chấp Biển Đông khỏi tuyên bố chung của ASEAN.
"Sau khi chúng tôi nhận được dự thảo tuyên bố chung từ Ban thư ký của AIPA tại Jakarta, chúng tôi thảo luận và thống nhất rằng nên loại bỏ đoạn về vấn đề Biển Đông vì đất nước chúng ta không có liên quan", ông Yeap nói trong một cuộc phỏng vấn với Reaksmei Kampuchea Daily.
Ông Yeap cũng nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng các nước liên quan trong tranh chấp nên đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để tìm giải pháp.
Nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP), ông Cheam Yeap. Ảnh: Phnom Penh Post |
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28-29 và các cuộc họp liên quan sẽ được tổ chức vào ngày 6-8/9 tại Vientiane, Lào.
Theo đánh giá của trang Cambodia Daily, đây là bước can thiệp mới nhất của Campuachia sau sự kiện xảy ra năm 2012. Khi đó, Phnom Penh đã ngăn ASEAN đề cập đến tranh chấp Biển Đông, khiến hội nghị ngoại trưởng lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung.
Trước đó, Ngoại trưởng Campuchia, ông Prak Sokhon, bác bỏ các cáo buộc rằng, Campuchia đứng về phía Trung Quốc trong các tranh chấp, và đã ngăn cản ASEAN đưa nội dung ủng hộ phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc vào tuyên bố chung của ASEAN hồi cuối tháng 7.
"Campuchia duy trì lập trường chính đáng của mình, chúng tôi không đứng về bên nào, và đặc biệt là góp phần đáng kể ngăn chặn cục diện Biển Đông rơi vào tình trạng xấu đi thông qua làm việc với tất cả các bên liên quan".
Hôm 27/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry khẳng định ai nói Trung Quốc mua sự ủng hộ của Phnom Penh bằng 600 triệu USD là một sự sỉ nhục.
"Tranh chấp ở Biển Đông là giữa Philippines và Trung Quốc, không phải giữa ASEAN với Trung Quốc. Vì thế không nên kéo các nước ASEAN vào tranh chấp, và không nên kéo Campuchia liên quan", ông Sounry nói.
Tuyên bố của ông Sounry được đưa ra sau khi Bắc Kinh công bố gói viện trợ gần 600 triệu USD gần như ngay lập tức sau khi có phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông, đồng thời cảm ơn chính phủ Hun Sen đã ủng hộ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Chheng Vannarith, một nhà phân tích chính trị châu Á - Thái Bình Dương, Campuchia khó có thể "trung lập" khi tiếp tục nhận những gói viện trợ lớn từ Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét: "Viện trợ kinh tế là cách Trung Quốc mua ảnh hưởng chính trị ở Campuchia. Trung Quốc đã sử dụng Campuchia để đánh úp ASEAN nhiều lần".
Cambodia Daily dẫn lời Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nhận định:
"Nếu Campuchia tiếp tục hành động vì lợi ích của Trung Quốc, làm tổn hại đến việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thì ASEAN nên xem xét thay đổi nguyên tắc đồng thuận của mình thành nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Nếu Campuchia tiếp tục cản trở các cuộc họp, cần cảnh báo cho họ biết rằng, tư cách thành viên ASEAN của họ có thể bị quản chế, đình chỉ hoặc thu hồi".
Xem thêm video:
[mecloud]pVJRuIADma[/mecloud]
Lê Huyền (tổng hợp)