Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia hôm qua 27/7 tuyên bố, nước này đã "khuyên" các quốc gia ASEAN không sử dụng những ngôn từ làm "leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines".
Cuối tuần trước, Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á AMM đã diễn ra tại Lào. Tại Hội nghị, ASEAN đã ra tuyên bố chung, tuy nhiên tuyên bố trên hoàn toàn không đề cập đến phán quyết về yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông được PCA đưa ra hôm 12/7. Theo Reuters, Campuchia-quốc gia được cho là có mối quan hệ "đặc biệt thân thiết" với Trung Quốc đã phản đối đưa nội dung này vào tuyên bố chung. Theo phán quyết của Tòa, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế, Hor Namhong cho rằng, phán quyết nói riêng và vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc "chỉ là vấn đề của hai nước nói trên, và hoàn toàn không liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN". Ông này cũng khẳng định, "không nên lôi kéo các quốc gia ASEAN, hay cụ thể là Campuchia vào vấn đề song phương trên".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia, ông Chum Sounry tuyên bố, cộng đồng ASEAN phải "duy trì tính trung lập" của mình, bằng cách "phớt lờ" vấn đề trên.
Trước cáo buộc rằng Campuchia đã "bán" sự ủng hộ của mình cho Trung Quốc với giá trị tương đương với khoản vay mềm 600 triệu USD, ông này đã lớn tiếng phủ nhận và tuyên bố, cáo buộc nói trên là một "sự sỉ nhục" đối với đất nước.
Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong. |
Trong một diễn biến có liên quan, cũng trong ngày hôm qua 27/7, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết, họ đã cố gắng hết sức để đưa phán quyết "đường lưỡi bò" xuất hiện trong tuyên bố chung nhưng đã thất bại. Tuy nhiên, ông này khẳng định, việc ASEAN ra tuyên bố chung không nhắc đến phán quyết không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã giành chiến thắng ngoại giao.
Tuy không đề cập trực tiếp đến yêu sách phi lý của Trung Quốc hay phán quyết về đường lưỡi bò, nhưng tuyên bố chung của ASEAN vẫn bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến "ngày càng phức tạp" của các bên trên Biển Đông. Tuyên bố cũng "kêu gọi" các quốc gia tranh chấp cần tuân thủ các qui trình pháp lý và ngoại giao, theo các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Ngoại trưởng Mỹ Kerry tuyên bố, việc ASEAN không đưa ra lập trường hay đề cập đến phán quyết không ảnh hưởng đến hiệu lực quyết định của tòa. Ông nhấn mạnh phán quyết của tòa có tính ràng buộc pháp lý với các bên liên quan.
Nghiêm Thu