Cát Phượng giận tím người vì bị mạo danh hình ảnh
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, nghệ sĩ Cát Phượng chia sẻ bức xúc khi bị mạo danh hình ảnh: "Vô tình lướt Tiktok Cát thấy. Thưa toàn xã hội. Cát khẳng định: Sản phẩm này Cát chưa sử dụng bao giờ và càng không có nhận quảng cáo cho sản phẩm này. Nỡ lòng nào cắt ghép thành một clip như đúng rồi vậy?
Cái khúc mà Cát thoa kem lên da mặt của Cát là Cát thoa kem chống nắng. Trời ơi là trời… Ai cắt ghép? Làm clip kiểu này trên hình ảnh của tôi đúng là quá đáng. Tự tiện lấy hình ảnh của tôi để quảng cáo sản phẩm của các bạn kiểu này là tôi kiện nhé".
Sau đó, Cát Phượng nhờ Cộng đồng mạng chia sẻ hành vi gian dối này của nhãn hàng mỹ phẩm nọ để cảnh báo người tiêu dùng. Như chia sẻ của Cát Phượng, hình ảnh của cô bị một sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chưa có kiểm nghiệm, bảo chứng chất lượng sử dụng để làm quảng cáo. Điều này khiến Cát Phượng bức xúc và muốn đem vụ việc ra tòa.
Mạo danh hình ảnh nghệ sĩ - vấn đề nhức nhối chưa có biện pháp
Không chỉ riêng Cát Phượng mà trên thực tế đã có rất nhiều sao Việt cũng rơi vào hoàn cảnh bị kẻ xấu mạo danh hình ảnh để lừa đảo. hoa hậu H’Hen Niê bị sử dụng hình ảnh trái phép quảng cáo thuốc hỗ trợ sinh lý cho nam giới. Sau khi các bài đăng có hình ảnh H’Hen Niê tràn lan trên mạng xã hội, trao đổi với phóng viên, cô nói không ký kết hợp đồng với nhãn hàng. Cô và ê-kíp muốn liên hệ với doanh nghiệp để yêu cầu gỡ hình ảnh nhưng không tìm được địa chỉ, số điện thoại.
Hay MC Quyền Linh cũng từng đăng tâm thư lên trang mạng xã hội Facebook để bày tỏ bức xúc khi bị bộ phận dân mạng cắt ghép hình ảnh để đưa vào các quảng cáo thuốc kém chất lượng. Trước sự việc lần này, MC Quyền Linh đã quyết định nhờ luật sư và các cơ quan chức năng vào cuộc để đưa ra ánh sáng những hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Vấn nạn nghệ sĩ Việt bị mạo danh hình ảnh trên mạng xã hội là một vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của nghệ sĩ mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Theo một số phân tích, nguồn gốc của vấn nạn mạo danh hình ảnh xuất phát điểm từ việc tăng trưởng mạnh mẽ của mạng xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc tạo ra các tài khoản giả mạo. Bên cạnh đó là kẻ xấu chạy theo lợi ích kinh tế. Một số cá nhân tạo ra tài khoản giả mạo nghệ sĩ để thu hút lượng theo dõi lớn, từ đó kiếm tiền từ quảng cáo hoặc các hình thức khác.
Hậu quả của việc mạo danh hình ảnh sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, việc này cũng khiến cho khán giả dễ bị hiểu lầm. Fan của nghệ sĩ có thể bị lừa dễ dàng bởi những tài khoản giả mạo, dẫn đến việc họ nhận được thông tin sai lệch hoặc thậm chí bị lừa tiền.
Cộng đồng hâm mộ và người dùng mạng xã hội có trách nhiệm phản ánh và báo cáo các tài khoản giả mạo, cùng nhau tạo nên một môi trường trực tuyến lành mạnh và bảo vệ uy tín của nghệ sĩ mình yêu mến.
Tại điểm e và điểm g khoản 3 điều 66 nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định rõ: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác".
Trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính hoặc với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể làm đơn tố giác người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân lên cơ quan chức năng.