"Thông báo của Gazprom là một nỗ lực khác của Nga nhằm tống tiền chúng tôi bằng khí đốt. Chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản này và đang vạch ra phản ứng phối hợp của EU", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen viết trên Twitter. "Người châu Âu có thể tin tưởng rằng chúng ta đoàn kết, sát cánh với những quốc gia thành viên bị ảnh hưởng"
Trong một tuyên bố riêng, bà von der Leyen cho biết một cuộc họp giữa nhóm điều phối khí đốt của EU đang được tiến hành để vạch ra biện pháp ứng phó.
Tuyên bố của Chủ tịch EC được đưa ra khi Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi cả 2 nước từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Tháng trước, Nga cảnh báo những nước "không thân thiện" rằng họ cần phải trả tiền khí đốt bằng đồng tiền của Nga từ ngày 1/4, bằng không sẽ bị cắt nguồn cung.
Đức, khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga tại châu Âu đã chỉ trích chỉ thị của Tổng thống Putin là "hành vi tống tiền".
"Việc thanh toán bằng đồng ruble là không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết. Ông nói thêm rằng "chúng ta sẽ không bị chia rẽ và câu trả lời của các nước G7 là rõ ràng: các hợp đồng sẽ được đáp ứng".
Yêu cầu này đe dọa đến nguồn cung khí đốt trong khi quân đội Nga tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và phương Tây áp đặt những lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Nga.
Tại sao Putin muốn các công ty năng lượng phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble? Câu trả lời có thể liên quan tới chính đồng tiền này. Nó đã xuống mức thấp kỷ lục so với USD sau các lệnh trừng phạt cắt Moscow khỏi nguồn dự trữ ở nước ngoài trị giá hàng trăm tỷ USD. Kể từ đó, các quan chức Nga đã tìm cách hỗ trợ đồng ruble bằng cách ngăn chặn các nhà đầu tư và công ty bán đồng ruble. Đồng thời, họ đang cố gắng thúc đẩy nhu cầu về tiền tệ. Yêu cầu thanh toán khí đốt bằng rồng ruble dường như "là một nỗ lực của chính quyền Nga nhằm gây áp lực lên các nước phương Tây bằng cách ép khách hàng nước ngoài sử dụng khí đốt Nga phải sử dụng đồng ruble. Lợi ích bổ sung chính là hỗ trợ giá trị của đồng tiền này", Liam Peach, nhà kinh tế châu Âu mới nổi tại Capital Economics, cho biết.
EU đang lên kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay khi họ chuẩn bị chia tay hoàn toàn với nhà cung cấp năng lượng lớn nhất này. Nhưng, châu Âu sẽ gặp phải nhiều khó khăn để tồn tại mà không có khí đốt của Nga và việc tìm nguồn thay thế là một thách thức lớn về mặt hậu cần.
(Theo CNN)
>> Xem thêm: Hungary chống lại cả EU, chấp nhận mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble