"Khi tôi đi qua những đám cháy đang hoành hành tại Amazon, sức nóng dữ dội không chỉ khiến tôi tuôn đổ mồ hôi mà còn làm cháy da, nóng chảy giày và cháy quần áo tôi", nam phóng viên cho biết.
Sau một tuần ở trong rừng Amazon cùng với những người lính cứu hỏa đang tuyệt vọng cứu nguồn tài nguyên quý giá này khỏi bị hủy diệt, Christopher cảm thấy mình đã bị dẫn đến cổng địa ngục.
Những bức ảnh được chụp ở sâu trong trung tâm khu vực bị hỏa hoạn tàn phá nặng nhất của Amazon và sự tàn phá dường như là vô tận. Phần rừng nhiệt đới vĩ đại nhất của thế giới lúc này trông giống như một vùng đất hoang.
Nhiều vụ hỏa hoạn được cho là do những băng đảng tội phạm có vũ trang gây nên. Họ tàn phá rừng để lấy đất bán cho các chủ trang trại gia súc.
2,1 triệu mét vuông rừng Amazon tạo ra hơn 6% oxy cho trái đất, biến nơi đây trở thành nguồn tài nguyên không thể thay thế cho toàn nhân loại. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araujo thì: "Amazon không cháy, không cháy chút nào". Tuyên bố của ông được thống đốc bang Rondonia, Marcos Rocha ủng hộ: "Nếu chúng ta nhìn vào tình hình tại các nước khác, rừng của họ còn cháy nhiều hơn Brazil. Các bạn tới London hay các nước khác, các bạn thấy gì? Khói từ các đám cháy, từ ngành công nghiệp. Làm sao họ có thể yêu cầu chúng tôi những gì mà họ không làm được?".
Bất chấp những lời phủ nhận từ phía quan chức, lính cứu hỏa tại Porto Velho hiểu được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này. Họ đang mạo hiểm mọi thứ để dập lửa cứu rừng.
Trong 3 tuần qua, họ đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm cuộc gọi. Đội trưởng đội cứu hỏa Rosenberg Barbosh nói: "Cháy không ngừng nghỉ, chúng tôi đã tham gia chữa hàng chục vụ cháy mỗi ngày. Hàng trăm dặm rừng đã bị phá hủy và chúng tôi gần như chắc chắn không nhìn thấy điều tồi tệ nhất được nêu ra. Mỗi năm chúng tôi giáo dục mọi người chống lại hỏa hoạn, nhưng dường như chúng ta càng làm, điều đó càng tồi tệ hơn".
Sau khi bị một số nhà lãnh đạo đe dọa trừng phạt kinh tế ở thượng đỉnh G7 hồi tháng trước, Tổng thống Bolsonaro đã đồng ý điều 43.000 binh sĩ tới giúp chữa cháy. Nhưng người dân địa phương tại Porto Velho tới giờ vẫn chưa thấy quân đội đâu. Ngay cả những máy bay chở nước thi thoảng bay ù ù trên đầu họ giờ cũng biến mất.
Đã qua rồi những khu rừng nguyên sinh, những dòng sông trong vắt và không khí trong lành mà cư dân từng được hưởng. "Nơi này đã từng là thiên đường. Giờ nó giống như sống ở cổng địa ngục, chỉ có sức nóng lớn hơn", Mairon Duran, một người dân địa phương nói.