Có quá nhiều thông tin không chính xác trôi nổi về coronavirus (Covid-19) đến nỗi WHO gọi nó là "bệnh dịch". WHO đã phải tham gia Tiktok để giúp đưa tin chính xác.
Những tin đồn không chỉ xuất hiện trên Internet mà còn có mặt trên cả những trang tin khiến mọi người hoang mang. Dưới đây là 7 tin đồn phổ biến nhất về Covid-19 mà bất cứ ai cũng đã từng nghe hay đọc được.
1. Covid-19 do con người tạo ra
Thực tế thì đừng tin tất cả những gì bạn đọc trên Internet. Khi dịch Covid-19 biến thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn diện, một giả thuyết về nguồn gốc của virus xuất hiện trên Internet. Nó nói rằng Covid-19 không bắt nguồn từ tự nhiên mà được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Những tin đồn xuất phát từ những tài khoản mạng xã hội chưa được xác minh và không có bất cứ bằng chứng dáng tin nào.
Các nhà khoa học ở cả Trung Quốc lẫn phương tây đều đã bác bỏ tin đồn này. Họ đang tiếp tục đi tìm nguồn gốc chính xác của virus nhưng nghiên cứu cho thấy nó có khả năng bắt nguồn từ loài dơi và được truyền đến vật chủ trung gian trước khi sang con người, giống như dịch SARS năm 2003.
2. Các biện pháp điều trị tại nhà có thể chữa hoặc ngăn virus
Thực tế thì tỏi rất tốt cho bạn, nước cũng vậy, Vitamin C cũng thế nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc ăn tỏi, uống nước 15 phút một lần hay uống vitamin C sẽ bảo vệ mọi người khỏi Covid-19. Tương tự, việc sử dụng các loại tinh dầu, keo bạc hay steroid cũng không có tác dụng phòng và chữa Covid-19. Một số bài đăng trên mạng xã hội gợi ý bôi dầu mè lên cơ thể hoặc xịt cồn hay clo lên người sẽ giết chết virus cũng là sai sự thật.
Có một số chất khử trùng hóa học như thuốc tẩy, ethanol 75%, axit peracetic và chloroform có thể tiêu diệt virus trên bề mặt. Nhưng khi virus đã ở trong cơ thể bạn thì việc bôi những chất đó lên da hay đặt dưới mũi cũng không tác dụng, chúng thực sự còn có thể nguy hiểm.
3. Bạn cần phải có một cái khẩu trang
Thực tế thì những khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Bác sĩ phẫu thuật Jerome Adams đến từ Mỹ cảnh báo rằng khẩu trang nếu không được đeo đúng cách còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bạn. Thay vào đó, chỉ những người đã nhiễm virus corona hoặc có các triệu chứng mới cần đeo khẩu trang để bảo vệ không lây nhiễm cho người khác. Người bình thường cần đeo khẩu trang là các nhân viên y tế và người chăm sóc cho bệnh nhân.
4. Nhiệt có thể tiêu diệt virus
Thực tế thì máy sấy tay không thể tiêu diệt virus corona, theo WHO. Tổ chức này cũng nói rằng không nên dùng đèn UV để khử trùng tay hoặc các khu vực khác trên cơ thể bởi bức xạ có thể gây kích ứng da.
Tổng thống Donald Trump trước đó từng nói rằng nhiệt giết chết virus nên đợt bùng phát dịch sẽ biến mất vào mùa xuân. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết không có cách nào để biết được điều này.
5. Virus có thể truyền qua thư
Theo WHO việc nhận được thư hay một gói hàng từ Trung Quốc không khiến bạn có nguy cơ nhiễm Covid-19. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu cách thức chính xác mà virus corona lây nhiễm cho con người nhưng theo các đánh giá trước đó thì virus không thể tồn tại lâu trên các vật thể và bề mặt.
6. Trẻ em không thể nhiễm virus corona
Thực tế thì bất cứ độ tuổi nào cũng có thể nhiễm virus corona dù người già và người mắc bệnh nền dễ bị bệnh nặng hơn.
Dù hầu hết các ca nhiễm Covid-19 được xác nhận là người lớn tuổi nhưng trẻ em cũng bị nhiễm, Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh.
7. Người nhiễm virus corona sẽ chết
Tỷ lệ tử vong vì virus corona khoảng 3,4% (theo thống kê của WHO) và các quan chức dự đoán con số này sẽ còn giảm đi.
Những người nhiễm Covid-19 thường sẽ bị tổn thương đường hô hấp trên từ nhẹ đến trung bình, tương tự như cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng bao gồm sổ mũi, ho, đau họng, đau đầu và sốt kéo dài trong vài ngày. Sau một khoảng thời gian thì các triệu chứng sẽ tự biến mất.
Bệnh có thể gây tử vong ở một số trường hợp nhưng hiếm hơn. Với những người có hệ miễn dịch kém, người già và trẻ nhỏ, virus có thể gây ra những bệnh về đường hô hấp dưới nghiêm trọng hơn như viêm phổi hoặc viêm phế quản.