Một "em bé hóa thạch" 35 tuổi đã được tìm thấy trong tử cung một phụ nữ 73 tuổi tại Skikda, Algeria sau khi bà này nhập viện vì đau bụng. Sau đó, các bác sĩ tiến hành chụp X-quang và choáng váng trước những gì họ chứng kiến.
Theo trang Medindia, thai nhi nằm trong bụng người phụ nữ suốt 35 năm trời nhưng không gây tổn hại đến cơ thể. Thai nhi bị vôi hóa đã gần 7 tháng tuổi. Theo các báo cáo, cụ bà này có thai vào năm 1981 nhưng vì thai nằm trong ổ bụng (không phải tử cung) nên bị thiếu máu và không thể phát triển đến khi chào đời.
Cũng vì nằm trong ổ bụng nên sau khi bị thai lưu, cơ thể không thể tống ra ngoài như ở tử cung. Trong quá trình miễn dịch của cơ thể, thai nhi bị vôi hóa và biến thành đá.
Tiến sĩ Kim Garcsi đến từ Trung tâm Y tế Bệnh viện Đại học Cleveland (Mỹ) cho biết hầu hết các trường hợp bác sĩ khi phát hiện ra những ca mang thai đá như thế này sẽ không can thiệp bởi chúng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ.
Đây không phải lần đầu các chuyên gia phát hiện sự tồn tại của các "em bé hóa thạch" mà không ảnh hưởng gì tới cơ thể người mẹ. Theo một báo cáo trên Tạp chí của Hiệp hội Y học Hoàng gia Anh vào năm 1996, đã có gần 290 trường hợp mang thai đá được ghi nhận.
Tỷ lệ mang thai trong ổ bụng là khoảng 1/10.000 trường hợp. Tuy nhiên, với công nghệ chăm sóc thai phụ hiện đại như hiện nay, các y bác sĩ có thể ngăn được những "em bé hóa thạch" hình thành.
>> Xem thêm: Mẹ bầu mang thai hơn 1 năm mới đẻ đến giới khoa học cũng phải bó tay