Kể từ tháng 12, khi Covid-19 lần đầu xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, hơn 32 triệu người hiện đã bị nhiễm bệnh và virus tiếp tục thống trị nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới. Theo số liệu của ĐH Johns Hopkins, số ca tự vong dự đoán sẽ đạt con số 1 triệu vào cuối tuần này. Tuy nhiên, số lượng thực tế còn có thể cao hơn rất nhiều bởi có những khoảng cách trong xét nghiệm và báo cáo.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới là Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico. Họ chiếm hơn một nửa số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu. 1/5 con số xảy ra ở Mỹ. Số còn lại trải dài trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Ấn Độ liên tục báo cáo số lượng ca nhiễm hàng ngày cao nhất thế giới do các dịch vụ y tế đang bị quá tải để kiểm soát đại dịch. Với hơn 5,8 triệu ca Covid-19, nước này chỉ đứng sau Mỹ (7 triệu ca Covid-19).
Ở Đông Nam Á, Indonesia và Philippines bị ảnh hưởng nặng nhất. Singapore thì đã cố gắng giảm thiểu số người thiệt mạng và đang điều trị miễn phí cho những ca nhiễm nặng nhất.
Với 95% thương vong xảy ra trong vòng 6 tháng qua, liệu 1 triệu ca tử vong tiếp theo có đến sớm hơn không? Hay thế giới sẽ tìm ra giải pháp ngăn chặn đại dịch? Không ai có câu trả lời nhưng 1 triệu ca tử vong đã cung cấp cho chúng ta những gợi ý có giá trị.
- Hơn 200.000 người trong số các ca tử vong vì Covid-19 là người Mỹ, chiếm hơn 20% số ca tử vong của thế giới. Trong khi dân số Mỹ chiếm 4% dân số thế giới.
- Chỉ 4 nước là Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico đã chiếm hơn một nửa số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu. 480.000 trường hợp khác trải khắp 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Một gia đình Singapore đã lên kế hoạch đến châu Âu du lịch nhưng không ngờ đó lại là một cơn ác mộng. 3 ngày sau khi gia đình Ng-Chan quay trở về vào ngày 21/3, bỏ dở hành trình vì đại dịch, 3 thành viên trong nhà này đã bị nhiễm Covid-19. Chị Celine Ng-Chan, một giáo viên 31 tuổi đang mang thai 10 tuần phát hiện mình bị nhiễm bệnh sau khi đau họng và đến gặp bác sĩ. Đêm đó, cô con gái 2 tuổi của chị, Aldrina cũng bị sốt.
Ông Adang Saputra, một người chôn cất thuê đã rất đau lòng mỗi khi nghe những lời cầu nguyện dành cho người quá cố và tiếng khóc xé lòng của thân nhân các bệnh nhân Covid-19. Người đàn ông 40 tuổi phải nén nỗi đau xuống khi đắp đất lên mộ phần của các nạn nhân. Sau đó, ông lại tiếp tục chôn cất những nạn nhân khác, công việc tưởng chừng máy móc nhưng nỗi đau thì không tả xiết.
Còn rất nhiều câu chuyện của những bác sĩ, những nhân viên trên tuyến đầu chống dịch, của người thân, bạn bè các bệnh nhân Covid-19. Đó đều là những bi kịch đau quặn. Cho đến nay, chúng ta vẫn chỉ biết nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng tránh và cầu mong một phép màu về thuốc điều trị hoặc vắc xin để được tỉnh lại sau cơn ác mộng mang tên Covid-19.