(Tinmoi.vn) Trong khuôn khổ cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung ở Bắc Kinh ngày 9/7, Ngoại trưởng John Kerry tái khẳng định Mỹ không muốn "kiềm chế" Trung Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Kerry cho biết thêm, Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc ổn định, hòa bình và đóng góp có trách nhiệm cho ổn định trong khu vực. Mặc dù có sự khác biệt, nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể tìm được điểm chung.
Ông Kerry đến Bắc Kinh vào hôm 8/7 để tham dự Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung kéo dài hai ngày (9-10.7).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong buổi khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung sáng ngày 9/7
Trong lúc Washington đang tập trung nhiều hơn vào Iraq, Syria, Ukraine và Nga, mối quan hệ Mỹ - Trung cũng đang đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ sau khi cố tổng thống Mỹ Richard M. Nixon tới Bắc Kinh thăm cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1972.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại và người đồng cấp Mỹ William Burns đã đồng chủ trì Đối thoại An ninh Chiến lược Trung – Mỹ lần thứ 4 trong khuôn khổ của S&ED.
Tham gia đối thoại còn có Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Christine E. Wormuth và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus.
Trước thềm đối thoại, các quan chức Mỹ tháp tùng Ngoại trưởng John Kerry đến Bắc Kinh cho biết họ cực kỳ quan ngại về việc “các quốc gia có tranh chấp chủ quyền sẵn sàng sử dụng quân đội, lực lượng bán quân sự và lực lượng tuần duyên để củng cố chủ quyền của họ”.
Nhận định về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, một quan chức Mỹ giấu tên đi cùng ông Kerry nói với AFP: “Sự mập mờ xung quanh yêu sách đường 9 đoạn là có vấn đề".
Mỹ tái khẳng định sẽ không "kiềm chế" Trung Quốc
Vị quan chức đưa ra bình luận trên trong bối cảnh Trung Quốc vừa phát hành bản đồ dọc bao gồm tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” (trước đây là đường 9 đoạn nay là đường 10 đoạn) nuốt trọn gần hết biển Đông.
Cùng với sự gia tăng về quân sự, Trung Quốc đang ngày càng kiên quyết hơn trong những tuyên bố chủ quyền với những bãi đá không người ở, các rạn san hô và bãi cát trên biển. Điều này đã đặt Trung Quốc vào một lộ trình có thể xung đột với các nước láng giềng cũng có tuyên bố chủ quyền tương tự. Ngoài ra, Trung Quốc có thể gây xung đột với Mỹ, quốc gia có ba đồng minh quan trọng đang tranh chấp với Bắc Kinh. Washington có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh trong trường hợp các nước này bị tấn công.
Nguy cơ leo thang quân sự trong khu vực đang ngày càng tăng. Trên Biển Đông, các tàu Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Ở biển Hoa Đông, máy bay Trung Quốc và Nhật Bản nhiều lần áp sát lẫn nhau phía trên khu vực quần đảo hai nước có tranh chấp.
Mỹ nhấn mạnh nước này không đứng về bên nào trong tuyên bố chủ quyền, nhưng từng lên án Trung Quốc có những hành động gây bất ổn. Washington cũng kêu gọi Bắc Kinh duy trì tự do hàng hải trong những vùng biển trọng điểm.
Yên Yên