Trả lời phỏng vấn tờ Qianjiang Evening News hôm 8/7, ông Cao Weidong, thuộc Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc nhận định Thẩm Dương J-15, tiêm kích hạm thế hệ thứ tư của Trung Quốc có khả năng đánh bại tiêm kích hạm tàng hình thế hệ năm F-35B do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất trong một cuộc xung đột hạn chế. J-15 có một số ưu điểm so với máy bay Mỹ như tiêu thụ nhiên liệu ít hơn, phạm vi hoạt động tới 1.000 km (F-35B là 500km), trọng lượng nhẹ hơn...
Tuy nhiên, ông Cao cũng thừa nhận, nếu đối đầu trực tiếp, F-35B sẽ phát hiện và bắn hạ J-15 một cách dễ dàng.
"Cá mập bay" J-15 của Trung Quốc
Cũng theo ông Cao, tàu sân bay Liêu Ninh của quân đội Trung Quốc có thể đánh bại một tàu chiến như tàu chiến HMS Queen Elizabeth mà hải quân Anh vừa giới thiệu cuối tuần qua. Nguyên nhân do tàu Liêu Ninh có đội chiến đấu cơ được trang bị tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Cao không thể khẳng định chắc chắn bên nào sẽ thắng cuộc nếu giữa Trung Quốc và Anh bùng nổ xung đột, vì tàu sân bay của cả hai nước đều chưa được trang bị máy bay cảnh báo sớm gắn cánh cố định.
Theo ông Cao, máy bay J-15 chỉ mang được 7 tấn nhiên liệu và đạn dược khi cất cánh từ tàu Liêu Ninh nên là điểm yếu lớn nhất của các chiến đấu cơ triển khai từ tàu sân bay. Trong khi đó, tàu HMS Queen Elizabeth có lợi thế hơn Liêu Ninh ở chỗ 6 máy bay F-35B có thể cất cánh cùng lúc, nên F-35B vẫn là đối thủ đáng gờm với J-15.
Máy bay F-35B là thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình thứ 5 do tập đoàn quân sự Lockheed Martin chế tạo cho đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh.
Phác họa tàu HMS Queen Elizabeth chở máy bay F-35B
J-15 với biệt danh "Flying Shark" (Cá mập bay) là chiếc máy bay do Trung Quốc sản xuất dành riêng cho tàu sân bay Liêu Ninh. Đây là dự án được phát triển và nghiên cứu chung bởi Viện Nghiên cứu 601 của Hải quân Trung Quốc và Tổng công ty hàng không Thẩm Dương.
J-15 được trang bị 2 động cơ công suất cao WS-10 (có nguồn cho là AL-31F Nga) và hệ thống thiết bị cất hạ cánh với cáp hãm đà mới. Theo đó, cánh của máy bay J- 15 có thể gập lại ở 2 bên, mang lại khả năng chiến đấu tuyệt vời và đáp ứng những yêu cầu đặc biệt trong khả năng cơ động cao, có thể sử dụng tốt các vũ khí trong nước, do có hệ thống tương thích, J-15 tác chiến ở cả trên biển và trên không.
Các vũ khí của J-15 gồm tên lửa không đối không PL-8, PL-12 hay tên lửa chống hạm YJ-83K, một số loại bom dẫn đường thông minh. Giới truyền thông Nga kết luận, J-15 là một bản sao từ loại tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga, bởi tất cả thiết kế khí động học của J-15 đều giống với máy bay của Nga.
Trung Quốc bắt đầu chế tạo hàng loạt chiến đấu cơ J-15 từ cuối tháng 11/2013 và việc chuyển giao dòng chiến đấu cơ này cho Hải quân Trung Quốc đã được tiến hành. J-15 hiện trang bị trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Đầu tháng 12/2013 Trung Quốc phát đi thông báo, sẽ phát triển chiến đấu cơ J-15 phiên bản đặc chủng dành cho hải quân J-15. Phiên bản đặc chủng của J-15 sẽ có 2 chỗ ngồi để dành cho các nhiệm vụ đặc biệt như: Đối kháng điện tử và tiếp liệu trên không. Dự kiến, phiên bản tiếp liệu trên không của J-15 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong 3-5 tháng tới, còn thời điểm thử nghiệm phiên bản đối kháng điện tử chưa được xác định.
Yên Yên (Lược dịch theo Want China Times)