Hôm qua 21/6, đại sứ của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu EU đã thống nhất kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng nữa, tức đến hết tháng 1/2017. Việc gia hạn lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép lên Moscow về vấn đề khủng hoảng tại Ukraine.'
Theo The Guardian, EU muốn có thêm thời gian để đánh giá việc Nga có tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hòa bình Minsk về khủng hoảng Ukraine hay không.
Theo báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, trong một vài ngày qua thường xuyên xảy ra các vụ pháo kích và đấu súng tại hai khu vực Donetsk và Lunhansk, miền đông Ukraine. Các vụ đụng độ xảy ra giữa quân đội chính phủ Ukraine và dân quân miền đông, vụ việc khiến hai bên chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Nga sẽ hứng chịu lệnh trừng phạt thêm 6 tháng nữa. Ảnh: Reuters |
Ngày 20/6, Tổng Thư Ký NATO - ông Jens Stoltenberg nhận định rằng hiện nay EU cần tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ông cho rằng, việc Nga không thay đổi thái độ và cách hành xử, EU cần tiếp tục "cứng rắn".
Tuy nhiên, trước đó, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đã lên tiếng kêu gọi EU nên quay trở lại hợp tác với Nga. Mới đây nhất, Hy Lạp cũng đã "úp mở" việc sẽ phản đối gia hạn trừng phạt Moscow.
Tổng thống Nag Putin cũng đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF), và tuyên bố, Nga sẵn sàng gỡ bỏ lệnh trừng phạt, tuy nhiên "cần chắc chắn rằng các biện pháp đơn phương mà Nga thực hiện sẽ có đi có lại từ phía phương Tây, chứ không phải là 'Một bước tiến, hai bước lùi'".
Lệnh trừng phạt của EU đối với Nga được áp đặt từ tháng 7/2014. Đến tháng 9/2014, lệnh trừng phạt bị siết chặt, nhắm vào các ngân hàng và tập đoàn năng lượng vũ khí của Nga.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nhận định, tiến trình Brexit (Anh rời khỏi châu Âu) có thể khiến EU nhanh chóng gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, bởi Anh là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ về việc gia hạn lệnh trừng phạt.
Nghiêm Thu (tổng hợp)