Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ Richter đã xảy ra ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản, gây ra trận sóng thần cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người.
Sóng thần đã phá hủy hơn 120.000 tòa nhà và buộc hơn 450.000 người phải đến nơi trú ẩn tạm thời. Thiệt hại về nhà ở, các cơ sở kinh doanh, đường sá và những cơ sở hạ tầng khác ước tính 210 tỷ USD, khiến đây trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất từ trước đến nay.
Thiệt hại do sức tàn phá của con sóng gây ra vụ rò rỉ tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán và biến các cộng đồng lân cận thành thị trấn ma.
Một thập kỷ sau có nhiều thay đổi dọc hàng trăm km bờ biển bị tàn phá. Các công viên và không gian công cộng đã thay thế cho các tòa nhà bị sóng thần cuốn trôi. Những ngôi nhà mới giờ được chuyển lên vùng đất cao hơn.
Lệnh sơ tán được dỡ bỏ ở một số khu vực lân cận Fukushima nhưng hoạt động loại bỏ nhà máy hạt nhân này sẽ mất nhiều thập kỷ.
Khi Nhật Bản kỷ niêm 10 năm, người dân từ 3 cộng đồng chịu ảnh hưởng đã chia sẻ những thay đổi kể từ sau thảm họa và hy vọng về tương lai của họ.
Aki Sato, người tổ chức cộng đồng ở Okuma
Aki Sato đang làm việc trong một văn phòng luật ở Tokyo khi vụ rò rỉ ở Fukushima Daiichi buộc người dân Okuma, cách đó 240km, phải sơ tán. Nhưng cô có nhiều lý do để lo lắng hơn hầu hết những người khác. "Bà tôi đang sống ở thị trấn bên cạnh và tôi phải mất hai ngày để biết bà đã an toàn và đang ở trong một phòng tập thể dục", Sato nói.
Sato bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống ở Tokyo và tự hỏi mình có thể làm gì để giúp đỡ. “Ban đầu tôi không thể nghĩ được gì, sau đó vào năm 2015, tôi đến Okuma và tìm được một công việc giúp cho nỗ lực hồi phục ở đây”.
Vào thời điểm đó, thị trấn đã bị bỏ hoang trong 4 năm, mặc dù 11.500 người dân của thị trấn được phép đến thăm nơi này vào ban ngày. Hiện họ đang sống rải rác trên khắp đất nước. Ngày nay, chỉ có khoảng 300 người quay trở lại sống ở đây từ khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ vào năm 2019 và người dân một lần nữa được phép ở lại qua đêm.
“Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người dân trong làng, những người nói với tôi rằng họ rất muốn gặp lại hàng xóm cũ của mình, vì vậy tôi quyết định tổ chức các buổi biểu diễn ca múa nhạc truyền thống để biến điều đó thành hiện thực - để mọi người cảm thấy rằng họ đang cùng nhau kiểm soát vận mệnh của chính mình”.
Sato đã tạo ra một bản đồ hiển thị địa điểm của các sự kiện văn hóa khi mọi người tụ tập ca hát và nhảy múa để tôn vinh tổ tiên "trở về". “Đó là sự kiện gì không quan trọng, mà chủ yếu là mọi gnwoiwf được làm gì đó cùng nhau, được trở về cội nguồn của mình", cô nói.
Mối liên hệ tình cảm của cô với thị trấn càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi cô kết hôn với Nobuyoshi Sato, người làm quản lý sản xuất tại một trang trại dâu tây được thành lập để thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Muneo Kanno, nông dân trồng lúa ở Fukushima
Khi có lệnh cho người dân làng Iitate rời đi, ông Muneo Kanno ngay lập tức lo cho đàn gia súc và mùa màng của mình.
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã buộc hàng chục nghìn người sống trong phạm vi 20 km quanh cơ sở buộc phải sơ tán. Nhưng hầu hết 6.000 cư dân của Iitate vẫn ở lại. Họ tin rằng mình được an toàn vì nhà của họ nằm ngoài khu vực sơ tán chính thức.
Chính quyền địa phương đã không ra lệnh sơ tán. Phải đến vài tuần sau đó, một chuyên gia bức xạ phát hiện ra nhiều điểm nóng trong ngôi làng cách nhà máy điện 48 km thì mọi người mới rời đi.
Kanno thường xuyên về nhà để trồng thử lúa, nhưng vợ ông chỉ trở về khi lệnh sơ tán chính thức được dỡ bỏ vào năm 2017 sau một hoạt động khử nhiễm chưa từng có ở tỉnh Fukushima.
Trước đó rất lâu, những con gia súc khỏe mạnh của khu vực đã được gửi đến các vùng khác của Nhật Bản, còn những con chứa mức phóng xạ không an toàn đã bị tiêu hủy. Với đàn gia súc đã mất từ lâu, Kanno quyết định bắt đầu trồng lúa để tạo cơ hội cho gia đình và ngôi làng của mình. Ông nói: “Chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên nhưng nó đã bị tổn hại do tai nạn hạt nhân. Tôi nghĩ rằng nếu tôi có thể trồng lúa ở đây, thì nó sẽ thực sự đặc biệt”.
Kanno đã làm việc với các nhà nghiên cứu trường đại học, đo dữ liệu bức xạ trong khoảng thời gian đều đặn để đảm bảo cây trồng của ông đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn chính thức.
Vào năm 2019, sự kiên trì của anh ấy đã được đền đáp. Ông ấy đã gửi gạo của mình đến một nhà máy bia ở khu vực khác của tỉnh để biến thành lô rượu sake phiên bản giới hạn đầu tiên, từ “phục hồi” được tô màu đỏ và vàng trên nhãn.
“Suy nghĩ đầu tiên của tôi là tôi phải đặt cho mình một mục tiêu và sau đó đạt được nó", ông nói. Kanno thừa nhận rằng Iitate, từng được công nhận là một trong những ngôi làng đẹp nhất Nhật Bản, vẫn gắn liền với những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng, mặc dù Fukushima có một trong những chế độ an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nhất cả nước.
“Mục đích của tôi là tiếp tục làm những gì khoa học nói và trồng lúa như một thông điệp của hy vọng”, ông nói và tiết lộ mình có kế hoạch xin giấy phép để tự nấu rượu sake.
Tokuji Abe, người nuôi hàu
Khi con thuyền của anh bắt đầu rung chuyển dữ dội ngoài khơi Minamisanriku, Tokuji Abe nghĩ rằng động cơ của nó có vấn đề. Chỉ đến khi nghe cảnh báo trên đài VHF, anh mới nhận ra nguyên nhân còn tồi tệ hơn: trận động đất lớn nhất mà người đàn ông 50 tuổi lúc bấy giờ từng trải qua.
Nông dân nuôi hàu Tokuji Abe
Khi người nuôi hàu trở lại bờ vào ngày hôm sau, quê hương của anh không còn nữa. Những con sóng cao tới 20 mét đã phá hủy hầu hết các tòa nhà của Minamisanriku và khiến hơn 800 trong số 17.000 dân tại đây thiệt mạng. Abe nói: “Các tàu đánh cá lớn đã được đưa vào đất liền và những ngôi nhà bị bật khỏi móng. Tôi gần như không thể tin được những gì mình đang nhìn thấy. Tôi tin chắc rằng gia đình tôi đều đã chết”.
Anh đến khu phố của mình và thấy nhà cửa đã biến mất và bố anh đã qua đời. “Nhưng vẫn thật nhẹ nhõm khi biết rằng mẹ, vợ và con trai tôi đã sống sót, mặc dù tôi cảm thấy có lỗi với bố mình khi nói điều đó”.
Chỉ có chiếc thuyền của anh còn sót lại, nhưng không ai ở Minamisanriku nghĩ đến tương lai. “Tôi hầu như không thể cử động. Tôi thậm chí không thể bắt đầu nghĩ về công việc kinh doanh. Tôi đã kiệt sức. Tôi không thể hoạt động".
Nhiều tháng trôi qua, suy nghĩ của Abe hướng về đại dương và kế sinh nhai đã nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình anh. “Biển không còn mảnh vụn… nó không hoàn hảo, nhưng có vẻ như tôi có thể bắt đầu nuôi trồng trở lại”, anh nói. “Tôi đã bắt đầu lại từ đầu, nhưng ngay khi ra khơi lần đầu tiên kể từ sau thảm họa, tôi nhận ra rằng đây là công việc duy nhất mà tôi có thể làm”.
Năm ngoái, người con trai cả của anh, Kazuya, đã nghỉ việc trong lĩnh vực quảng cáo để quay về nối nghiệp bố. “Tôi luôn yêu biển và ý nghĩ trở thành ngư dân chưa bao giờ thực sự rời bỏ tôi” Kazuya nói.
Đại dương đã lấy đi hầu hết mọi thứ từ nhà Abe, nhưng ngày nay nó một lần nữa trở thành người bạn của gia đình. Làn nước trong vắt, giàu chất dinh dưỡng mà sóng thần giúp cho vụ hàu chỉ mất một năm, thay vì 2-3 năm như bình thường. “Nếu bạn làm việc với biển, bạn phải lưu tâm đến sức mạnh hủy diệt của nó, nhưng cũng biết ơn những gì nó có thể mang lại", Kazuya nói.
(Theo Guardian)