Những lời kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từ chức ngày một lan rộng sau vụ bê bối tham nhũng, một khoảng trống quyền lực đang đè nặng lên chính quyền của bà, đe dọa đến sự nghiệp chính trị của bà và nghi ngờ về một nền kinh tế dễ bị tổn thương sau khi phải hứng chịu liên tiếp các cú sốc chính trị.
Bà Park đang phải đối mặt với sự sống còn trong chính trị. Ảnh: Reuters |
Các đảng chính trị đối lập Hàn Quốc cho biết trong tuần này, họ sẽ nghiên cứu các chiến lược để đưa ra lời buộc tội với bà Park sau khi các công tố viên cho biết bà là một đồng lõa trong vụ bê bối tham nhũng mới đây.
Một người bạn thân và một cựu trợ lý của tổng thống Park Geun-hye bị buộc tội vào ngày Chủ nhật vì đã lạm dụng quyền lực để gây sức ép với các doanh nghiệp lớn phải đóng góp vào một quỹ tài trợ.
"Sự đồng thuận của Tổng thống Park là trung tâm trong scandal lạm dụng quyền lực, hành động bà Park nên làm nhất bây giờ để giảm thiểu các khoảng trống trong chính phủ và khôi phục lại nguyên tắc hiến pháp là từ chức," các nhà lãnh đạo của ba đảng đối lập cho biết trong một tuyên bố chung vào ngày chủ nhật.
Bà Park đã ngừng tất cả các hoạt động công cộng, tránh xuất hiện trước truyền thông và đang "cố thủ" trong Nhà Xanh dưới chân núi Bugak tại Seoul. Trong số 12/16 ngày làm việc trong tháng này, bà đã không tham gia sự kiện nào theo lịch trình.
Bà đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh được sắp xếp trước với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev vào ngày 10/11 và không có thêm bất cứ sự kiện công cộng nào bên ngoài Nhà Xanh kể từ ngày 08/11. Trong thời gian đó bà đã tới thăm quốc hội và đề nghị từ bỏ một số quyền lực của mình trong văn phòng để xoa dịu các nhà lập pháp.
Nguy cơ tổng thống Nam Hàn bị luận tội, cùng với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn, đã biến bán đảo Triều Tiên thành nơi gây nhiều hoài nghi nhất của châu Á đối với các nhà đầu tư toàn cầu, Belinda Boa, Trưởng ban Đầu tư tích cực khu vực châu Á Thái Bình Dương tại BlackRock, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm Thứ Hai.
Vắng mặt tại APEC
Sự vắng mặt của bà Park đã gây nhiều chú ý tại cuộc họp của 21 nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương diễn ra ở Lima, Peru vào cuối tuần, nơi thương mại tự do và một cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bảo hộ là những chủ đề chính dưới những hoài nghi về tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã nói rằng ông sẽ bãi bỏ Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Một nửa GDP của Hàn Quốc đến từ xuất khẩu vì vậy nền kinh tế nước này rất dễ bị tổn thương bởi các Chính sách thương mại của Hoa Kỳ, đặc biệt là cam kết tăng cường bảo hộ thương mại của Trump.
Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn, những người tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC thay cho bà Park đã có cuộc họp ngắn với lãnh đạo nước chủ nhà, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski, ngoài ra không tổ chức thêm bất cứ cuộc họp song phương nào với các nhà lãnh đạo thế giới, những người thường sử dụng dịp này để làm sâu sắc thêm quan hệ song phương.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc, một trong các nước thành viên sáng lập, không tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Thủ tướng tại Hàn Quốc là chức vụ hầu như chỉ mang tính chất tượng trưng, chỉ có nhiệm vụ giám sát các nội về các vấn đề trong nước.
Bà Park cũng đã bỏ lỡ cuộc họp nội các vào ngày thứ ba, lần cuối cùng bà xuất hiện tại một cuộc họp nội các là ngày 11/10, theo thông lệ bà sẽ chủ trì các cuộc họp nội các hai tuần một lần. Nhưng cuộc họp nội các vừa rồi được chủ trì bởi Bộ trưởng Tài chính, người đang trên đường rút khỏi chính trường.
Bà Park trong lần xuất hiện tại nhà Xanh hôm 4/11. Ảnh: Reuters |
"Bà ấy có vẻ như đang làm việc theo những cách riêng của mình, miễn là những cách đó hạn chế nhất việc phải tiếp xúc với công chúng", Kim Jun-seok, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Dongguk ở Seoul cho biết.
"Nhưng với cách làm việc này, bà ấy sẽ không thể mang đến bất kỳ sáng kiến lập pháp nào hoặc nâng cao một chương trình nghị sự về chính sách mới", ông Kim nói.
Nhiệm kỳ năm năm của Park sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2018.
Lịch trình chính thức thưa thớt của bà vào tháng vừa qua trái ngược hoàn toàn với những tháng cuối năm bận rộn của bà trong năm ngoái. Vào thời gian này năm ngoái, bà tham gia một hội nghị thượng đỉnh ba bên với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản, một hội nghị thượng đỉnh riêng biệt với chủ tịch Iceland, bốn hội nghị chính sách lớn và hai cuộc họp nội các.
Văn phòng của bà Park đã cho biết bà dự định sẽ hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống của mình và tiêp tục không chính thức thừa nhận các lời kêu gọi từ chức từ công chúng và quốc hội, cũng như những tố cáo luận tội.
Bà vẫn có ý định tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên Bắc Á nếu chủ nhà năm nay, Nhật Bản, chốt được ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo.
Nhưng nó không rõ ràng về việc liệu bà Park có thể tiếp tục đại diện cho Hàn Quốc về mặt ngoại giao khi các nước khác có thể đang đắn đo về các cuộc họp thượng đỉnh với bà.
"Cuộc khủng hoảng Ngoại giao này được biết đến trên toàn thế giới vì vậy danh tiếng của nước này đã bị tổn thương và đó là một vấn đề ngoại giao," Ha Kyung-Chull, một cựu thẩm phán Tòa án Hiến pháp, nói với Reuters.
"Dù cho là những vấn đề trong nước hay ngoại giao, thì những quy tắc của một tổng thống phải khắt khe hơn nhiều lần so với thông thường".
Một số cố vấn thân cận nhất của bà Park họ hy vọng bà ấy có thể xuất hiện trở lại trước công chúng trong vài tuần tới, sau khi vụ bê bối và những lời chỉ trích lắng xuống. Rất nhiều tổng thống Hàn Quốc đã chọn cách này để tránh phải rời nhiệm sở trước khi nhiệm kỳ kết thúc.
Quý Vũ (Reuters)